Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 sáng 29/10, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết phương án trên sẽ được đề xuất với UBND TP HCM trong thời gian tới. Việc cho học sinh học trực tiếp sẽ còn căn cứ vào tình hình dịch bệnh ở từng quận, huyện.
Theo ông Hiếu, trong tuần này, các địa phương sẽ hoàn tất việc tiêm vaccine cho học sinh THPT và tiếp tục lộ trình hạ dần độ tuổi.
Tính đến trưa 28/10, sau hai ngày tổ chức tiêm chủng, TP HCM đã tiêm vaccine Pfizer cho 39.756 trẻ em 12-17 tuổi, tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Thành phố cố gắng hoàn thành tiêm mũi một trong 5-7 ngày, sau đó tiêm mũi hai trong 7 ngày.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP HCM kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp, trong đó đề xuất mở cửa trường, nhưng không tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường với địa bàn có dịch bệnh cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình).
Tại các vùng cấp độ 3 (nguy cơ cao), nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, truyền hình, không tổ chức hoạt động ngoài lớp học. Tùy điều kiện thực tế, địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp, cấp học. Trong đó, các khối 1, 2, 6, 9 và 12 được ưu tiên.
Với vùng dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), Sở đề nghị dạy và học theo hình thức trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.
Trong tờ trình kế hoạch, Sở không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho việc mở cửa trở lại mà do các quận huyện, địa bàn tự cân nhắc dựa trên khả năng đáp ứng các điều kiện trong bộ tiêu chí an toàn trường học.
TP HCM hiện có 9 quận, huyện đạt cấp 1 (bình thường mới); 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và một quận ở cấp 3 (nguy cơ cao).
Cụ thể, vùng xanh (cấp độ 1) gồm: Thành phố Thủ Đức, các quận Gò Vấp, Tân Bình, 1, 7, 8, 10, Cần Giờ, Củ Chi. Vùng vàng (cấp độ 2) gồm quận huyện: 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh. Bình Tân là địa phương duy nhất ở vùng cam (cấp độ 3).