![]() |
Hồ Gươm mé cạnh vườn hoa Indira Gandhi. |
Để tránh làm đảo lộn hệ vi tảo của nước Hồ Gươm, phó giáo sư Đức cho rằng, nước giếng khoan trước khi đưa vào hồ cần kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, đặc biệt là tiêu chuẩn chất lượng nước mặt TCVN 5942-1995. "Ngoài ra, nước giếng thường có sắt nên phải tiến hành lọc. Việc lọc rất đơn giản, các nhà máy nước của Hà Nội lâu nay vẫn làm mà không tốn kém mấy", ông Đức nói.
Bên cạnh giải pháp khoan giếng, chuyên gia hơn 10 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm cho rằng tranh thủ lúc hồ cạn, cơ quan quản lý nên dọn những tấm bê tông cốt thép, đá tảng và gốc cây lớn ở lòng hồ. Hiện xung quanh hồ có rất nhiều tảng đá, cọc tre, khu vực gần Tháp Rùa có một số gốc cây lớn, tồn tại đã nhiều năm, song không được dọn. Những chướng ngại vật này đe dọa tính mạng của "cụ" rùa.
Về lâu dài, để tránh cho Hồ Gươm rơi vào tình trạng cạn nước như hiện nay, ông Đức đề xuất thành phố cần nhanh chóng cải tạo chiếc cống tràn phía đường Hàng Khay theo hướng linh động hơn; cần có quy định vào mùa khô (bắt đầu từ tháng 9 kéo dài đến hết tháng 4 năm sau), không được sử dụng nước Hồ Gươm vào mục đích tưới cây, rửa đường.
Mực nước Hồ Gươm đang giảm từng ngày, môi trường sống bị thu hẹp, cụ rùa di chuyển khó khăn, khả năng săn mồi bị hạn chế. Những ngày qua, người dân đã chứng kiến rùa nổi rất nhiều lần. Tuy nhiên, ông Đức vẫn khẳng định: "Còn nước, còn bùn thì còn rùa. Hệ hô hấp của loài vật này rất tốt. Nó có thể hấp thu ôxy bằng nhiều cách".
Để cứu lấy "trái tim" của thủ đô, ông Đức mong muốn các nhà khoa học, các cơ quan chức năng cùng đề xuất giải pháp chống hạn. Nhưng hiện nay các cơ quan này vẫn chưa có động thái gì.
Như Trang