Bộ Xây dựng ngày 17/10 trình Thủ tướng đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Đề án đặt mục tiêu, giai đoạn 2022-2025, cả nước sẽ xây 571.000 căn và 2026-2030 là 845.500 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Các bộ ngành, địa phương cân đối vốn ngân sách để hỗ trợ mục tiêu này. Những thành phố lớn sẽ tập trung phát triển nhà xã hội gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng...
Hiện nay, toàn quốc đã hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô 155.800 căn; 400 dự án đang triển khai, quy mô 454.000 căn.
Riêng nhà ở xã hội khu vực đô thị, đã có 175 dự án với 93.000 căn; đang triển khai 274 dự án, với 293.000 căn. Có 126 dự án nhà ở công nhân với 62.700 căn; đang xây dựng 127 dự án với 160.900 căn. Dự báo từ nay đến năm 2030, cả nước cần khoảng 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà công nhân.
Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng nhà ở xã hội đang có nhiều bất cập. Một số địa phương chưa quan tâm xây dựng, chưa xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp.
Quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà xã hội chưa được thực hiện nghiêm. Một số nơi khó thực hiện như Hà Nội, TP HCM do quỹ đất đô thị hạn hẹp hoặc những địa phương có vị trí, điều kiện khí hậu ven biển thuận lợi phát triển du lịch. Do đó, nhiều nơi kiến nghị Thủ tướng không bố trí 20% quỹ đất nhà thương mại để làm nhà xã hội vì không phù hợp quy hoạch.
Chính quyền một số địa phương đùn đẩy trách nhiệm. Các doanh nghiệp bất động sản lớn thời gian qua chỉ tập trung vào phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, chưa quan tâm đầu tư nhà ở xã hội. Hơn nữa, thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, kéo dài. Dự án nhà xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn. Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn, không thực chất...
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cả nước xây được 1,4 triệu căn nhà xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật Thuế... Nội dung sửa đổi là cơ chế, chính sách cho người thu nhập thấp, trong đó quy định cụ thể nhóm được hưởng chính sách nhà ở xã hội; quy hoạch dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư; cơ chế ưu đãi của nhà nước.
Bộ Xây dựng kêu gọi doanh nghiệp quan tâm hơn đến nhà ở xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Các thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà xã hội, nhà công nhân sẽ được rút ngắn. Bộ đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng ban hành quy định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình mua, thuê mua nhà xã hội, nhà công nhân.
Đầu tháng 8, tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất xây một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp từ nay đến 2030. Đề xuất này được Thủ tướng đồng ý và giao Bộ Xây dựng lập đề án.
Ông Nghị cũng chia sẻ kinh nghiệm một số nước tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công, giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư, người dân thuê, mua nhà xã hội.