Bảo hiểm xã hội Hà Nội cùng cơ quan liên quan vừa báo cáo UBND TP Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số nhóm. Chính sách dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2026 cho khoảng 614.000 người thụ hưởng với tổng kinh phí trích từ ngân sách gần 709 tỷ đồng.
Người hưởng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo và thoát cận nghèo theo mức chuẩn nghèo, cận nghèo đa chiều của thành phố; người từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi; người khuyết tật nhẹ; dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ gia đình làm nông - lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình. Các nhóm này thường trú ở thành phố, trừ người không có nhu cầu.

Người cao tuổi mưu sinh bằng sạp rau củ ở chợ Thành Công, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Người dân khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ một phần chi phí đóng hàng tháng, cụ thể là 70% đối với người thuộc hộ nghèo, 75% với người thuộc diện cận nghèo và 20% với các nhóm khác.
Ngoài ra, thành phố hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHYT trong vòng 36 tháng cho các thành viên thoát nghèo, cận nghèo (tính từ thời điểm được công nhận), người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT (trừ trẻ dưới 16 tuổi) và người dân tộc thiểu số thuộc nhóm đóng BHYT bắt buộc và chưa có thẻ. Người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi không thuộc diện tham gia bắt buộc và chưa có thẻ cũng được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đóng BHYT.
Theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội, gần 160.000 người cao tuổi thuộc diện thụ hưởng này. Hà Nội hiện có gần 1,15 triệu người từ 60 tuổi trở lên, trong đó khoảng 636.700 người đã được cấp thẻ BHYT từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách hỗ trợ; 330.700 người có thẻ BHYT hộ gia đình với tiền hỗ trợ mỗi năm trên 804 tỷ đồng.
Mức hỗ trợ 70% tiền đóng BHYT cũng được áp dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hà Nội hiện có khoảng 2,29 triệu em và 99,3% trong số này đã được cấp thẻ BHYT; còn trên 16.100 học sinh, sinh viên khó khăn chưa tham gia. Kinh phí hỗ trợ 30% dành cho người thuộc hộ gia đình nông lâm ngư có mức sống trung bình.
Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, từ 1/7/2024 lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu dẫn đến mức đóng BHYT hộ gia đình tối thiểu tăng 1,3 lần. Tiền đóng BHYT theo năm với các thành viên hộ gia đình từ người thứ nhất trở đi lần lượt là 1.263.600 đồng, 884.520 đồng, 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng. Nhiều nhóm gặp khó khăn về kinh phí tham gia, nhất là người già không có lương hưu và các hộ có mức sống trung bình.
Cơ quan soạn thảo đánh giá việc hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người dân sẽ khuyến khích các nhóm tham gia lưới an sinh, giảm áp lực tài chính khi ốm đau vì được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Chính sách còn phù hợp chủ trương "đầu tư an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế" của thành phố, khả năng cân đối ngân sách và đúng thẩm quyền.
Dân số Hà Nội gần 8,7 triệu. Hết năm 2024 khoảng 2,17 triệu người đóng BHXH bắt buộc; 104.300 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 8,17 triệu người - khoảng 95% dân số đóng BHYT. Giai đoạn 2022-2024, thành phố hỗ trợ hơn 10,9 triệu người tham gia BHXH, BHYT với kinh phí hơn 5.430 tỷ đồng.
Hồng Chiêu