Trước việc giá thép tăng phi mã, Bộ Công Thương cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ kiểm soát xuất khẩu với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động. Đồng thời, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.
Riêng về đề xuất áp dụng thuế nhập khẩu với thép thành phẩm, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, cần cân nhắc, tính toán cẩn trọng trong bối cảnh hiện tại.
Ông phân tích, hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất thép đang được quy định ở mức thấp là 0-3% tuỳ nhóm mã hàng.
Với thuế nhập khẩu thép thành phẩm, hiện mặt hàng thép xây dựng (thép hình, thép góc) áp thuế suất ưu đãi 15% và 20% với thép dạng thanh que. Những mặt hàng này nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là thành viên của 14 Hiệp định thương mại tự do, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số Hiệp định này đối với các mặt hàng thép xây dựng tương đối thấp như Hiệp định ASEAN (ATIGA), Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA)...
Thay vì điều tiết thuế nhập khẩu, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế gợi ý, nên xem xét điều chỉnh chính sách thuế tự vệ với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay, giúp giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất thép.
Hiện mức thuế tự vệ với phôi thép nhập khẩu là 13,3% và sẽ giảm về 11,3% vào 22/3/2022. Với sản phẩm thép dài, mức thuế này áp dụng cho từng giai đoạn, hiện là 7,9% và sẽ giảm về 6,4% vào tháng 3/2022.
Ở khía cạnh này, một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho rằng, mức thuế phòng vệ thương mại với phôi, thép dài đang giảm hàng năm. Theo quy định, việc đánh giá, điều chỉnh mức thuế được thực hiện thông qua các lần rà soát hoặc đề nghị miễn trừ trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các bên liên quan theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, hiện chỉ một nhóm nhỏ sản phẩm thép là áp thuế phòng vệ thương mại. Nhóm nhập khẩu lớn nhất là thép cán nóng, thép phế... hiện không áp thuế này. Vì thế, điều chỉnh thuế tự vệ cũng cần cân nhắc phù hợp với WTO, cam kết quốc tế và luật quản lý ngoại thương.
Đồng thời, các giải pháp phòng vệ thương mại, trong đó theo dõi và xem xử lý việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, các vụ kiện chống bán phá giá của các nước cũng được tính đến, nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất thép.
Anh Minh - Quỳnh Trang