Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Bên cạnh vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC), Điều 34 dự thảo quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần đối với lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng và an toàn thực phẩm.
Tại Điều 20 Luật Thủ đô hiện hành, HĐND TP Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn đối với vi phạm trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn với một số hành vi tại nội thành có tác dụng tích cực, hiệu quả răn đe, góp phần làm giảm số vụ vi phạm.
Tuy nhiên, PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo đang là những lĩnh vực mà tình hình vi phạm diễn ra "rất nóng và phức tạp". Song mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, bảo đảm thi hành theo quy định chưa đủ răn đe, chưa bảo đảm an ninh, an toàn, gây bức xúc trong xã hội.
Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, quy định của Luật Thủ đô hiện hành về việc chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn trong một số lĩnh vực tại nội thành không còn phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật khi áp dụng hai loại chế tài trong cùng một thành phố.
Do đó, Điều 34 dự thảo Luật đã bổ sung ba lĩnh vực PCCC, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo mà HĐND TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn.
Trên cơ sở đề xuất của TP Hà Nội, Ban soạn thảo bổ sung quy định cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, PCCC.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có thành viên Ủy ban cho rằng việc để HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn; ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm là chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá nguy cơ cháy nổ ở Hà Nội phức tạp, nhất là sau vụ cháy tòa nhà tại Khương Hạ làm 56 người chết. Thành phố tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini. Một trong những nguyên nhân là định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành cách đây 10 năm.
"Đó là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm", ông Cường nói và dẫn chứng vấn đề di dời cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan đơn vị đã đặt ra từ lâu, nhưng triển khai rất chậm chạp. Dự thảo chưa có quy định rõ về biện pháp và lộ trình di dời.
Tại lần sửa đổi này, Bộ Tư pháp đề xuất nhiều nhóm chính sách lớn nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô. Trong đó có tổ chức chính quyền TP Hà Nội theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng; phát triển hệ thống y tế hiện đại, an sinh xã hội toàn diện.
UBND TP Hà Nội cũng đề xuất một số chính sách cụ thể như thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù cấp thành phố như Sở An toàn thực phẩm, Ban quản lý khu công nghệ cao, Đội quản lý trật tự xây dựng; tăng số đại biểu và đại biểu chuyên trách HĐND thành phố từ 95 lên 125; Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất giao một số quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng cho thành phố trong lĩnh vực đầu tư.
Sơn Hà