Tại hội nghị phản biện Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sáng 22/4, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm đã lạc hậu và bất cập, cần rút xuống còn 11 năm.
Ông Chức phân tích, hiện nay trẻ em phát triển rất tốt cả về thể chất lẫn thể lực, trí tuệ, điều kiện để tiếp xúc với khoa học lại hơn hẳn thế hệ trước. Trước đây có thời kỳ chương trình phổ thông của Việt Nam chỉ 9-10 năm. Trên thế giới, nhiều nước cũng chỉ học phổ thông 11 năm, năm cuối cùng là dự bị để chuyển tiếp vào đại học, học nghề.

TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: HT.
Theo TS Chức, nếu rút ngắn chương trình phổ thông xuống 11 năm, học sinh sẽ có cơ hội việc làm và tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội sớm hơn, đồng thời giảm nhiều vật chất, tiền bạc cho nhà nước.
"Nhiều người giải thích thời gian học của giáo dục phổ thông đã được Chính phủ quy định, nhưng lẽ ra điều này phải được đưa vào Luật Giáo dục", ông Chức nói và nhấn mạnh học tập là suốt đời nên kiến thức phổ thông chỉ cần 11 năm.
Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), thầy Nguyễn Xuân Khang ủng hộ đề xuất trên. Thời điểm giáo dục phổ thông còn 10 năm, cấp 1 chỉ có từ lớp 1 tới lớp 4; cấp 2 từ lớp 5 tới lớp 7; cấp 3 từ lớp 8 đến lớp 10. Lúc này, trước khi vào lớp 1, học sinh sẽ học lớp vỡ lòng.
Sau này, lớp vỡ lòng được đưa vào cấp 1 nên tiểu học có từ lớp 1 tới lớp 5 như hiện tại; cấp 2 có thêm lớp 9; cấp 3 giữ nguyên 3 năm, từ lớp 10 đến lớp 12.
"Hiện tại có lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp này không khác gì lớp vỡ lòng của thập kỷ trước. Vậy 12 năm cộng với lớp mẫu giáo 5 tuổi như hiện tại là 13 năm, như vậy là dài", Hiệu trưởng trường Marie Curie nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ông cho biết đề xuất giảm một năm học phổ thông đã được bàn đi bàn lại nhiều lần và tới nay đã muộn, vì chương trình phổ thông, chương trình môn học đã chốt, "mọi chuyện đã thành mâm thành bát".
TS Nguyễn Viết Chức giải thích nguyên nhân đề xuất giáo dục phổ thông 11 năm.
Trước đây, nhiều chuyên gia đề xuất rút ngắn thời gian học phổ thông, như TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Đại học FPT) đề xuất sáp nhập THCS và THPT để kết thúc chương trình phổ thông vào lớp 9, sau đó tạo nhiều hướng đi và sinh viên có thể tốt nghiệp đại học năm 20 tuổi.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, GS Nguyễn Lộc, Viện phó Viện Khoa học Giáo dục cho rằng, khi đổi từ 12 năm xuống 10 năm thì phải đổi toàn bộ chương trình sách giáo khoa, đào tạo lại giáo viên. Lượng giờ học trong trường phổ thông của học sinh Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới, chỉ gần 8.000 giờ trong khi thế giới 9.000-12.000 giờ. Nếu từ 12 lớp xuống 10 lớp số giờ sẽ còn tụt đi nhiều nữa.
Mặt khác, trong số liệu của hơn 200 nước mà Viện có được, chỉ khoảng 6 nước chọn hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm (tỷ lệ ít nhất), gần 120 nước dùng hệ 12 năm (hơn 60%), còn các tỷ trọng khác rơi vào hệ thống với 11, 13, 14... năm.

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân như thế nào? Đồ họa: Tiến Thành