Tham luận tại hội thảo "Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ" chiều 14/3, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng quy định độ tuổi được cấp giấy phép lái xe hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu.
Cụ thể, học sinh THPT đi xe máy nói chung và môtô nói riêng đến trường đang là nhu cầu có thật và rộng khắp, nhất là ở các thành phố lớn. Tại cấp THPT, nhất là lớp 11 và 12, học sinh phải đi học trái buổi, ngoại khóa tại trường và học thêm khá nhiều. Tuy nhiên, phương tiện công cộng chưa phát triển đủ để đáp ứng.
Theo pháp luật hiện hành, người từ 16 tuổi trở lên được đi xe máy dưới 50 cc và từ 18 tuổi trở lên mới được học lấy giấy phép lái xe để đi xe 50-175 cc (hạng A01). Thực tế, người từ 16 đến dưới 18 tuổi không được học luật giao thông đầy đủ vì chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn đi xe đạp điện, xe máy điện hoặc xe gắn máy dưới 50 cc. Sự phát triển về sức khỏe (chiều cao, cân nặng), tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây.
"Quy định hiện hành đã lạc hậu so với thực tiễn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để trẻ hóa đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A01", ông Hiểu nói.
Ông dẫn chiếu Thái Lan, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ 110 cc trở xuống là 15 tuổi, độ tuổi để lấy bằng và đi xe có động cơ trên 110 cc và ôtô là 18 tuổi; tại Mỹ, công dân từ 16 tuổi đã có thể thi lấy bằng lái ôtô...
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, cần nghiên cứu giấy phép dành cho người điều khiển xe dưới 50 cc để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, dự luật cần đảm bảo rõ thẩm quyền, tránh chồng chéo trong quản lý; hạn chế phát sinh thủ tục hành chính... Cụ thể, ban soạn thảo nghiên cứu thấu đáo, đánh giá kỹ các tác động về quản lý, đào tạo, cấp giấy phép lái xe; thay đổi hạng giấy phép lái xe; các hình thức cấp biển số xe cơ giới...
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá, sau 25 năm ngành giao thông vận tải quản lý, công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe đã có bước tiến dài, hoàn thiện nội dung chương trình theo hướng tiếp cận các nước tiên tiến. Các quy chuẩn, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch được ứng dụng công nghệ hiện đại; thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hóa, ứng dụng công nghệ trong quản lý, đảm bảo minh bạch, giám sát chặt chẽ, tương đương với các nước phát triển.
Giấy phép lái xe của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới công nhận và Việt Nam cũng đã cấp giấy phép lái xe quốc tế. Việc đổi giấy phép lái xe cũng đã tiên phong thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 (hoàn toàn trực tuyến), được người dân đánh giá cao.
Nghị quyết số 17 ngày 1/8/2017 của Trung ương Đảng về cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước đã nêu rõ với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có điều kiện dân sự hóa thì chuyên cho các bộ khác. Do vậy, theo ông Hiểu, vấn để chuyển đổi cơ quan quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an cần được nghiên cứu thấu đáo để tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia giao thông (đối tượng chịu tác động lớn nhất).
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, thành viên ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Công an cho biết dự Luật đường bộ và dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tách từ Luật Giao thông đường bộ) đã được Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị 3 năm nên "rất kỹ lưỡng".
Tuy nhiên, trong vẫn còn có một vấn đề, nội dung còn trùng lặp trong cả hai dự án luật, như phương tiện giao thông đường bộ, sử dụng lòng đường, vỉa hè, tốc độ.. Vì vậy, ông đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các vấn đề này theo hướng những gì "động" sẽ thuộc về trật tự an toàn giao thông và hoạt động của con người, phương tiện thì để ở Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Còn "tĩnh" như đường bộ, vỉa hè, quy định về việc cấp phép... để ở Luật Đường bộ.
"Về vấn đề quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, cần làm rõ trách nhiệm từng Bộ, từng ngành, đặc biệt là trách nhiệm phân công phân quyền cho cấp tỉnh, huyện, xã...", ông Dũng nói.
Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020). Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến, Quốc hội biểu quyết và Thường vụ Quốc hội đã chuyển dự án luật về Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh. Hơn 52% đại biểu thời điểm đó đồng tình chuyển dự án luật trình Quốc hội khóa XV.
Sau khi xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Ban soạn thảo dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ hoàn thiện dự thảo, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (khai mạc tháng 5).