Đề xuất được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đang trong quá trình lấy ý kiến.
Đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia BHYT hơn 93,6 triệu, tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Quá trình thực hiện BHYT phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, đặc biệt về đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến.
Trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, người bệnh chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến. Một số bệnh mạn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên, từ đó hạn chế quyền lợi bệnh nhân và thủ tục chuyển tuyến không cần thiết. Chưa kể việc thông tuyến làm tăng số lượt khám chữa bệnh ở tuyến trên, giảm số lượt khám và điều trị tại trạm y tế xã.
Trả lời VnExpress, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, cho biết người tham gia BHYT đã được thông tuyến huyện và tuyến tỉnh trên toàn quốc. Riêng việc mở rộng thông tuyến đối với bệnh viện trung ương cần được nghiên cứu, xem xét để tránh quá tải. Ngoài ra, cần tăng cường khám chữa bệnh BHYT ở tuyến cơ sở và bảo đảm cân đối Quỹ BHYT.
Luật Khám, chữa bệnh mới quy định 4 tuyến y tế (cấp xã, huyện, tỉnh, trung ương) được chuyển đổi thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật (Ban đầu, Cơ bản, Chuyên sâu). Trong đó, cấp ban đầu là các trạm y tế xã; cấp cơ bản gồm trung tâm y tế huyện, bệnh viện tỉnh hạng 2 và 1 không được phân loại là tuyến cuối; cấp chuyên sâu gồm bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tỉnh hạng 1 được phân loại tuyến cuối.
Bộ Y tế cho rằng cần sửa đổi, điều chỉnh các quy định liên quan tới tuyến chuyên môn, hạng bệnh viện trong Luật BHYT để đồng bộ với Luật Khám, chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất hai phương án chi trả đối với người bệnh tự đi khám chữa bệnh BHYT ở tuyến trên (chuyên sâu hoặc cơ bản - trái tuyến ban đầu).
Phương án 1: Người tham gia BHYT được chi trả 60% chi phí nội trú và 40% chi phí ngoại trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là trả 100% chi phí nội và ngoại trú). Đây là phương án mới.
Phương án 2: Giữ nguyên theo quy định hiện hành, tức 100% chi phí điều trị nội trú và không thanh toán chi phí ngoại trú (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú).
Quy định hiện hành, khi khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương, BHYT trả 40% chi phí điều trị nội trú, không thanh toán cho khám và điều trị ngoại trú. Tại bệnh viện tuyến tỉnh, bảo hiểm trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước; không thanh toán cho khám và điều trị ngoại trú. Tại bệnh viện tuyến huyện, trả 100% chi phí khám chữa bệnh (cả nội trú và ngoại trú).
Như vậy, so với hiện hành, phương án đề xuất của Bộ Y tế là giảm chi trả BHYT cho điều trị nội trú và tăng tỷ lệ thanh toán cho điều trị ngoại trú.
Ngoài ra, người bệnh sau chẩn đoán xác định một số bệnh mạn tính tại tuyến trên sẽ được chuyển về cơ sở đăng ký BHYT ban đầu để quản lý, cấp phát thuốc chuyên khoa. Thuốc sử dụng ở cơ sở tuyến trên sẽ được BHYT thanh toán 100% chi phí - đây cũng là điểm mới được đề xuất.
Mục tiêu của những đề xuất mới này là nhằm tăng tỷ lệ khám chữa bệnh tại y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ tuyến dưới, hạn chế vượt cấp chuyên môn kỹ thuật, giảm quá tải cho tuyến trên, theo Bộ Y tế. Chính sách cũng tạo sự thuận lợi cho người dân trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển hệ thống y tế.
Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng với phương án đề xuất trên, Nhà nước có thể phải giải quyết dư luận xã hội liên quan đến giảm quyền lợi cho người bệnh khám điều trị trái tuyến do giảm tỷ lệ chi trả. Tuy nhiên, Bộ cho rằng chính sách này có thể tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích và đồng thuận.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khóa XV, tháng 5/2024.
Lê Nga