Chiều 6/6, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo dự thảo, giám sát điện tử có thể bị áp dụng đối với người chưa thành niên là bị can, bị cáo nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.
Người được giám sát điện tử phải làm giấy cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.
Họ cũng phải cam đoan không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu vi phạm các điều trên, họ sẽ bị tạm giữ.
Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, HĐXX có quyền ra quyết định gắn thiết bị điện tử có chức năng giám sát. Việc áp dụng biện pháp giám sát điện tử phải thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú và giao theo dõi.
Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra dự thảo đã tán thành việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Ủy ban cho rằng biện pháp này vừa nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, giám sát người chưa thành niên, vừa thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị "hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam". Việc này cũng phù hợp với khuyến nghị của quốc tế "không một người chưa thành niên nào bị tách khỏi sự giám sát của cha mẹ, cho dù toàn bộ hay một phần, trừ phi đó là điều cần thiết đối với các em".
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn nữa về nguồn lực bảo đảm đối với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử.
Theo TAND Tối cao, thực tiễn giải quyết vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia còn rườm rà, thời gian giải quyết còn dài. Quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên là "biện pháp cuối cùng". Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm, tái phạm còn cao và có xu hướng gia tăng.
Giám sát điện tử (EM) được nhiều quốc gia sử dụng với mục đích giảm hình phạt tù, như sử dụng trước khi xét xử để giảm lệnh tạm giam, sử dụng sau khi kết án như một hình phạt cải tạo không giam giữ thay thế hình phạt tù, hay được sử dụng như một hình thức trả tự do trước thời hạn hoặc ân xá có điều kiện.
Tại Mỹ, việc giám sát điện tử được thực hiện bằng thiết bị theo dõi gắn ở cổ tay và mắt cá chân, điện thoại di động có hệ thống an ninh sinh trắc học, thiết bị khóa liên động đánh lửa ôtô (để kiểm soát nồng độ cồn) và các trung tâm hoặc ki-ốt đăng ký quản chế tự động.
Thiết bị theo dõi bằng tần số vô tuyến (RF) gắn ở mắt cá chân thường được sử dụng đối với thanh thiếu niên hoặc cá nhân được coi là có nguy cơ phạm tội thấp, để giám sát tại nhà. Những kẻ có nguy cơ phạm tội cao hơn, như tội phạm tình dục, đeo thiết bị giám sát điện tử chống nước và chống va đập sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho mục đích theo dõi từng phút, phát ra cảnh báo nếu tiếp cận vùng cấm. Một số thiết bị giám sát được trang bị để gọi và ghi âm mà không báo trước.
Điện thoại thông minh cũng được dùng để theo dõi và hạn chế một cá nhân thông qua dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt và xác minh giọng nói. Các ứng dụng theo dõi sẽ được cơ quan thực thi pháp luật cài đặt hoặc tích hợp trên điện thoại.
Tại Hàn Quốc, hệ thống giám sát điện tử chính thức được triển khai vào năm 2008. Theo quy định, tất cả tù nhân đã ra tù có tiền sử phạm nhiều hơn hai tội bạo lực tình dục hoặc từng tấn công tình dục trẻ vị thành niên, cũng như các tù nhân đã được ân xá hoặc hưởng án treo cần được giám sát trong cộng đồng, đều phải đeo vòng điện tử ở cổ chân. Nhà chức trách cho biết hệ thống giám sát điện tử giúp giảm cảm giác bất an của công chúng, ngăn chặn tội phạm tái phạm, nâng cao hiệu quả điều tra, có tác dụng kiềm chế hành vi của người đeo về mặt tâm lý.
Năm 2019, Trung Quốc cho phép cơ quan thực thi pháp luật sử dụng các phương pháp xác minh thông tin như định vị điện thoại di động và cuộc gọi video để nắm bắt hoạt động của những người cần quản lý, có thể sử dụng thiết bị đeo tay điện tử không thể tháo rời nhưng thời gian không quá ba tháng. Trung Quốc cũng sử dụng thiết bị đeo tay điện tử để giám sát những đối tượng có hành vi phạm tội nhưng chưa đến mức phải ra lệnh bắt giữ.