Là người đầu tiên phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội chiều 31/10, ông Phạm Trọng Nghĩa (chuyên trách Ủy ban Xã hội), nói sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1947 quy định "thời hạn làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bà không quá 48 giờ mỗi tuần lễ". Sắc lệnh này cũng quy định thời gian làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ.
Sau gần 80 năm độc lập và qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực Việt Nam được nâng lên tầm cao mới, nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm, giờ làm thêm tăng lên gấp ba. Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường với lao động khu vực tư như khu vực công, đã được thực hiện từ năm 1999 (40 giờ/tuần).
"Đây là xu hướng tiến bộ của đa số quốc gia trên thế giới", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, nền kinh tế đối mặt thách thức lớn để bắt kịp. "Cải thiện năng suất lao động là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", ông Phương nói, đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình năng suất lao động và đề ra giải pháp.
Theo Bộ Luật lao động được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực từ năm 2021, giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; nếu quy định giờ làm việc theo tuần thì không quá 10 giờ một ngày và 48 giờ một tuần.
Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Giờ làm thêm khống chế 40 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm. Doanh nghiệp khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày và không quá 40 giờ mỗi tháng.
Luật mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như: Sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.
Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê chỉ ra gần 41% lao động trên toàn quốc làm việc từ 40 đến 48 giờ mỗi tuần; 30,8% làm việc trên 48 giờ mỗi tuần. Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam cao hơn nữ (33,9% và 27,4%). Cả nước có 7,5% lao động làm việc trên 60 giờ mỗi tuần, cao nhất ở đồng bằng sông Hồng (9,3%).