Đây là ý kiến của TS Vũ Anh Tuấn (Công ty TNHH Tư vấn giao thông vận tải và đô thị, đơn vị tư vấn), chủ nhiệm nhóm nghiên cứu 5 phố đi bộ, tại Hội nghị phản biện dự thảo đề án "Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố" do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức, ngày 24/12. Đề án cần thực hiện từng giai đoạn để đánh giá tính khả thi mỗi tuyến.
Lý do nhóm nghiên cứu chọn đường Lê Lợi (và khu vực chợ Bến Thành) làm phố đi bộ đầu tiên trong 5 tuyến đường bởi khu vực này ít áp lực ùn tắc giao thông, ít rủi ro và phản ứng của người dân khi tổ chức. Trong giai đoạn thử nghiệm, đơn vị tư vấn sẽ thu thập số liệu để phân tích các ưu thế, lợi ích của việc tổ chức đi bộ, làm bước đệm cho giai đoạn sau.
Ở giai đoạn tiếp theo (2022-2023), đường Đồng Khởi sẽ được thay đổi thành hai chiều làm phố đi bộ. Giai đoạn cuối cùng (2024-2025), các đường Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách cũng được điều chỉnh thành đi bộ.
Chiều dài toàn bộ 5 tuyến phố đi bộ khoảng 10 km, tổng diện tích toàn khu vực khoảng 300 ha. Mỗi giai đoạn, đơn vị tư vấn sẽ có kế hoạch chi tiết về tổ chức giao thông, kết nối các địa điểm tham quan, hệ thống xe đạp công cộng và bãi giữ xe... Tổng chi phí thực hiện đề án khoảng 74 tỷ đồng.
Theo nhóm nghiên cứu, lợi ích kinh tế phố đi bộ đem lại rất lớn. Cụ thể phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) mà nhóm khảo sát năm 2019, ngày thường có hơn 3.300 người đến, tiêu khoảng 2,3 tỷ đồng; cuối tuần 6.600 người, mua sắm gần 12 tỷ đồng. Phố đi bộ giúp các hộ kinh doanh ở đây tăng 50-70% thu nhập so với trước. Giá đất và cho thuê mặt bằng tăng 20% sau hai tuần phố đi bộ hoạt động.
Tương tự, tại phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) năm 2019, lượng khách hàng ngày khoảng 5.300 người và chi tiêu các dịch vụ hơn 2,8 tỷ đồng. Cuối tuần, lượng khách đạt 7.100 người mỗi ngày, chi tiêu hơn 8 tỷ đồng. Doanh thu các hộ kinh doanh tăng 30-50% so với trước khi lập phố đi bộ.
Hồi tháng 9, Trung tâm quản lý khai thác hạ tầng (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) đề xuất tổ chức các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách làm phố đi bộ. Đây là các đường được coi nằm trong khu vực có mạng lưới giao thông công cộng tương đối phát triển, giúp hạn chế xe cá nhân và là cơ sở để hình thành phố đi bộ.
Cụ thể, nơi đây có hơn 50 tuyến xe buýt tỏa đi khắp thành phố. Tương lai 11 tuyến tàu điện (dài 160 km) đều chạy qua, kết nối giao thông với 5 con đường được đề xuất. Năm 2025 khi cả Metro Số 1và Số 2 đều hoạt động, khu vực nhà ga chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố thành những điểm đầu mối giao thông, mỗi năm đón hàng triệu khách bộ hành...
Ủng hộ phương án các phố đi bộ mới, song luật sư Nguyễn Văn Hậu băn khoăn việc quán ăn, khu mua sắm ở các phố đi bộ mọc lên dày đặc dễ gây ra chặt chém khách du lịch, an toàn thực phẩm, rác thải và mỹ quan đô thị. Các hoạt động nghệ thuật giải trí đường phố, tập trung đông người dễ gây mất an ninh trật tự. Ông đề xuất cần có quy chế quản lý hoạt động phố đi bộ theo quy định pháp luật.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP HCM cho rằng, các hoạt động ở phố đi bộ tụ tập đông người vãng lai, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. "Khu vực trung tâm trong 10 năm gần đây có nhiều vụ tụ tập trái luật, khi có phố đi bộ khả năng xảy ra càng lớn", tướng Minh nói và cho biết thành phố cần quan tâm vấn đề an ninh trật tự khi hình thành phố đi bộ.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM cho rằng, thay vì làm quá nhiều ở khu vực trung tâm, phố đi bộ cần thực hiện ở những quận huyện khác giảm áp lực cho trung tâm, giúp khách du lịch khám phá những điểm mới. Đề án cần tạo được sự đồng thuận của người dân và đánh giá kỹ tác động trước khi thực hiện.
Hiện, TP HCM có phố đi bộ Nguyễn Huệ hoạt động từ tháng 4/2015. Cách đó hơn 2 km, phố đi bộ Bùi Viện mở cửa từ tháng 8/2017. Phố đi bộ đêm khu vực tượng đài Quang Trung (quận 10) mở cửa từ ngày 28/11. Mới đây, UBND quận 3 đề xuất mở hai phố đi bộ khu vực Hồ Con Rùa và đường Nguyễn Thượng Hiền.
Hà An