Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn thành việc phê duyệt phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank. Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch – Đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho nhóm ngân hàng này nhằm đáp ứng chuẩn Basel II.
"Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho nhóm ngân hàng này khá lớn, trong khi nguồn lực nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cũng hết sức hạn chế", báo cáo của Ngân hàng Nhà nước viết.
Theo cơ quan quản lý thị trường tài chính tiền tệ, cần có biện pháp xử lý vấn đề này phù hợp hơn, trong đó cân nhắc việc giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng.
Trả lời tại họp báo thường kỳ đầu tháng 5, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận, 4 ngân hàng này là kênh chủ lực, cung ứng tín dụng cho nhiều chương trình, dự án trọng điểm của đất nước nhưng lại gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ. Mấu chốt, theo ông Tú, là hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng này đã xấp xỉ ngưỡng 9% - mức tối thiểu đảm bảo an toàn vốn.
Vốn điều lệ của nhóm ngân hàng này tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 152.000 tỷ đồng, tăng 0,73% so với tháng 12/2018. Tổng tài sản đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,51%.
Cũng trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước nói thêm, việc tái cơ cấu 3 ngân hàng mua bắt buộc cũng là quá trình phức tạp, chưa có tiền lệ nên phải phối hợp và lấy ý kiến của nhiều bộ ngành liên quan. Ngân hàng Nhà nước nhận định với thực trạng tài chính hiện nay thì rất khó để tìm được nhà đầu tư có năng lực tài chính và quản trị tham gia cơ cấu.
Phương Đông