Công ty môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), đơn vị đang vận hành bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn, vừa đề xuất với UBND thành phố Hà Nội về giải pháp nâng công suất tiếp nhận của hai bãi rác này bằng "công nghệ xanh của Đài Loan".
Đơn vị dự kiến dựng tường quây bằng đất cốt lưới cao hơn 20 m quanh bãi để nâng mức tiếp nhận rác. Cây cỏ được trồng ngay trên bề mặt tường để giảm mùi hôi. Phía bên trong ô chôn lấp được rải 5 lớp vải chống thấm, cát thay vì 1 lớp như hiện nay.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Urenco cho biết, mỗi năm thành phố Hà Nội mất khoảng 8ha đất để chôn lấp rác. Bãi rác Nam Sơn tiếp nhận 5.000 tấn/ngày, bãi Xuân Sơn tiếp nhận 1.200 tấn/ngày. Với công suất này, đến năm 2020, cả hai bãi sẽ không còn khả năng tiếp nhận thêm rác. Áp dụng công nghệ mới sẽ không tăng diện tích bãi chôn lấp nhưng vẫn tăng gấp đôi sức chứa, tiết kiệm quỹ đất, giảm chi phí giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng.
"Việc xây dựng tường bao bằng đất kết hợp trồng cây xanh sẽ giảm mùi hôi. Đặc biệt, sau khi đóng bãi có thể trồng cây xanh, làm công viên như ở Đài Loan và một số nước", ông Tiến nói.
Ông Tiến cho hay, Hà Nội đang xây dựng nhà máy đốt rác sinh hoạt để phát điện với công suất tiêu thụ 4.000 tấn/ngày tại Nam Sơn, dự kiến đến năm 2021 đưa vào vận hành. Tuy nhiên, công suất nhà máy mới giải quyết được 80% khối lượng rác đưa về khu xử lý, 20% còn lại không đốt hết vẫn phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Trước mắt, công nghệ xanh Đài Loan sẽ giúp kéo dài thời gian tiếp nhận rác thêm khoảng 5 năm, sau đó sẽ để chôn tro xỉ.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 1.640 tỷ đồng, trong đó bãi rác Nam Sơn là 1.190 tỷ đồng, bãi rác Xuân Sơn là 450 tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa. Hình thức đầu tư là Urenco và đối tác bỏ 100% chi phí xây dựng, thành phố Hà Nội sẽ trả phí dịch vụ xử lý tính theo mỗi tấn rác đưa vào.
Đánh giá về công nghệ trên, ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây không phải công nghệ mới. Nhiều nước như Mỹ, Nga, Nhật cũng đang áp dụng. Một số đơn vị của Hàn Quốc cũng từng giới thiệu công nghệ này.
"Chôn lấp hợp vệ sinh chỉ phù hợp với những nơi có quỹ đất rộng lớn. Đối với Hà Nội, đây không phải là giải pháp lâu dài vì mật độ dân cư rất dày, quỹ đất ít", ông Đông nói.
Theo ông Đông, để xử lý rác sinh hoạt lâu dài phải phân loại rác được rác ngay tại nguồn. Sau đó, có thể áp dụng công nghệ xử lý rác thân thiện hơn là công nghệ khí hóa, kết hợp giữa việc phân loại, tái chế và phát điện. Phần hữu cơ trong rác để sản xuất ra điện, làm phân bón, phần chất trơ còn lại đem đốt.
Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) được xây dựng từ năm 1999, có quy mô hơn 157 ha chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83 ha, hiện đã đầy. Giai đoạn II, diện tích hơn 73 ha.
Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn thị xã Sơn Tây) xây dựng từ năm 2007, tổng diện tích 13,32 ha. Giai đoạn I có diện tích 5,12ha đã đóng bãi từ năm 2013. Giai đoạn II có diện tích 8,2ha.
Theo tính toán của Công ty môi trường đô thị Hà Nội, cả hai bãi rác này sẽ hết khả năng tiếp nhận rác vào tháng 12/2020.