Ngày 10/11, tại hội thảo "Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông" tổ chức ở Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, TS Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra bất cập về giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm hiện nay.
Theo ông Chiến, đa số giảng viên trường sư phạm là sinh viên có thành tích học tập giỏi được giữ lại trường để nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên, đội ngũ này chưa có nhiều trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông. Hiện, một số trường đã cho sinh viên vừa học vừa thực nghiệm nhưng chủ yếu với tư cách "khách mời", không được thường xuyên đứng lớp nên kinh nghiệm "chắc chắn sẽ không đủ". Vì vậy, khi đi dạy sinh viên sư phạm, những giảng viên này khá yếu ở mặt kinh nghiệm thực tiễn, đa phần là lý thuyết suông.
Từng là nghiên cứu sinh và làm việc tại một trường đại học ở Nhật Bản, ông Chiến chia sẻ trường đại học đều không giữ sinh viên giỏi ở lại để giảng dạy. Họ yêu cầu ứng viên nếu muốn trở thành giảng viên phải có đủ thời gian giảng dạy và làm việc ở các trường phổ thông.
"Nên chăng các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành sư phạm ở Việt Nam nên áp dụng mô hình này", ông Chiến nói, cho rằng giảng viên cần đủ trải nghiệm làm giáo viên phổ thông thực thụ và đúng nghĩa trước khi trở thành giảng viên đại học sư phạm thay vì chỉ kiến tập, thực tập khoảng 8 tuần trước khi tốt nghiệp đại học như hiện nay.
Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ đề xuất ngoài xây dựng các trường thực hành trực thuộc, các trường sư phạm cần liên kết với trường phổ thông tốt hơn để ngoài những giờ lên lớp của sinh viên hàng ngày thì bắt buộc phải tham gia vào quá trình giảng dạy thường xuyên, giống như mô hình các trường đào tạo Y khoa. "Sinh viên được thực hành liên tục sẽ phục vụ tốt hơn cho việc học trên giảng đường", ông Chiến nhấn mạnh.
Bên lề hội thảo, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng việc sinh viên chỉ được kiến tập, thực tập thời gian ngắn là khiếm khuyết trong đào tạo ngành sư phạm. Không chỉ những sinh viên được giữ lại làm giảng viên mà cả sinh viên sẽ đi dạy ở các trường phổ thông cũng cần trải nghiệm thực tế đủ nhiều bởi giáo dục không được phép "thử sai làm lại".
Ông Báo lấy ví dụ Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore - những nước thành công trong việc đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông (theo kết quả PISA). Mấu chốt thành công của họ là "mọi yếu tố đột phá tập trung ở giáo viên". Để có giáo viên giỏi, các trường sư phạm phải tuyển được những người giỏi nhất vào. Khi đào tạo, họ cho sinh viên được đắm mình trong thực tiễn trường phổ thông và giáo viên được quyền tự chủ cao nhất để sáng tạo.
Hiện nhiều trường sư phạm trong nước đã tăng cường thực hành cho sinh viên bằng cách xây dựng trường phổ thông thực hành, liên kết với các trường tư thục để cùng đào tạo, từ đó sinh viên có điều kiện tiếp xúc thường xuyên hơn. Tuy nhiên, với số lượng sinh viên nhiều, kinh phí eo hẹp, việc kết hợp lý thuyết và thực hành chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ thực tế trên, ông Báo đề xuất việc đào tạo sư phạm phải đổi mới cấu trúc theo hướng tích hợp lĩnh vực, nội dung đào tạo, trong đó có tích hợp thực tiễn với lý thuyết. Mô hình đào tạo giáo viên phải được thiết kế với tư thế tác nghiệp, tức là sinh viên phải được tắm mình ở nhà trường phổ thông, giống đào tạo bác sĩ ở trường Y để ra trường không bị bỡ ngỡ, không làm ảnh hưởng đến học sinh.
"Trường sư phạm phải thiết kế chương trình đào tạo sao cho sinh viên được sớm tiếp cận với các trường phổ thông. Ngay cả khi dạy khoa học cơ bản năm nhất thì giảng viên sư phạm phải yêu cầu sinh viên liên hệ kiến thức được học với việc dạy kiến thức đó ở trường phổ thông để các em vừa tiếp thu kiến thức đại học, vừa chuẩn bị cho quá trình giảng dạy sau này", ông Báo nói.
Nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận định Việt Nam nổi tiếng trong việc đào tạo bác sĩ. Sinh viên học ngành Y được đào tạo lâm sàng, tiếp xúc với bệnh nhân, bệnh viện rất nhiều. Các trường này dạy lý thuyết trong thực hành và dạy thực hành để học lý thuyết tốt hơn. Khi dạy về một bệnh, giảng viên dạy bên bệnh nhân. Họ khám bệnh rồi nói cho sinh viên biết đó là bệnh gì, lý thuyết về bệnh lý ra sao, cách điều trị thế nào. Thực hành đặt ra tình huống cho lý thuyết, lý thuyết soi sáng cho thực hành.
Ông Báo cho rằng các trường sư phạm cũng cần làm như vậy. "Phải thay đổi cấu trúc kế hoạch đào tạo để làm sao sinh viên lúc xuống phổ thông, lúc về giảng đường như sinh viên trường Y", ông Báo nhấn mạnh.
Hội thảo khoa học quốc gia "Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông" do Tạp chí Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Đại học Hùng Vương tổ chức với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học giáo dục. Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên chia sẻ, trao đổi về những kết quả, xu hướng mới trong lý thuyết, thực tiễn đổi mới giáo dục đại học.