Tại Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi ngày 9/12 ở Hà Nội, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh - cho biết nhãn C21 dự kiến gắn cho các phim có đề tài nhạy cảm hơn các phim C18. Tuy nhiên, chi tiết về nhãn C21 chưa được công bố vì đang được soạn thảo. Ông nói: "Đây là mong muốn của ban soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Chúng tôi cũng chưa biết có được quốc hội chấp nhận hay không".
Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia - cho rằng nhãn C21 không cần thiết. Một số đại biểu cũng nhận định việc bổ sung nhãn C21 gây phức tạp cho chính những người kiểm duyệt.
Trước đó, C18 được quy định cho loại tác phẩm phản ánh những vấn đề chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm phù hợp nhận thức, tâm sinh lý của khán giả từ 18 tuổi trở lên. Mức kiểm duyệt này cho phép phim chứa hình ảnh khỏa thân toàn phần nhưng không được mô tả cận cảnh các bộ phận nhạy cảm. Cảnh khỏa thân và bạo lực tình dục phải phù hợp nội dung, không được kéo dài hoặc lặp lại quá đà. Phim C18 chấp nhận các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh. Lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện. Tuy nhiên, phim không được có cảnh mô phỏng hoạt động tình dục trái tự nhiên - như quan hệ với trẻ em, loạn luân hay cảnh khuyến khích sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Ngoài nhãn C21, Cục đề xuất bổ sung nhãn PG - phim cho trẻ em dưới 13 tuổi được xem với điều kiện đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ. Ông Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định phim quốc gia - tán đồng, nói nhãn PG được áp dụng ở nhiều nước, giúp mở rộng đối tượng khán giả tiếp cận tác phẩm. Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng nhãn PG không cần thiết vì "đã cấm là cấm hẳn".
Năm loại phim cũ gồm: P: Phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả, C13: Phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13, C16: Phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16, C18: Phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18, C: Phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả.
Luật sửa đổi cũng dự kiến bổ sung quy định Ủy ban Nhân dân các tỉnh được quyền thành lập Hội đồng phân loại, phổ biến phim. Điều này gây bàn cãi bởi việc ủy quyền cho các tỉnh cấp phép có thể gây ra tình trạng tác phẩm được chiếu ở tỉnh này nhưng không được chiếu ở tỉnh khác.
Về kiểm duyệt phim, đặc biệt là phim chiếu mạng, Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Nguyên Cục trưởng Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - nói cần có quy định chặt chẽ. Theo bà Lan, quy định chỉ được phổ biến phim có giấy phép và phân loại theo cách kiểm duyệt truyền thống là không khả thi. Bởi lượng phim chiếu mạng nhiều gấp hàng nghìn lần phim rạp, Hội đồng sẽ không thể duyệt hết.
Ông Nguyễn Danh Dương đồng quan điểm, cho rằng việc thẩm định, phân loại, cấp phép phát hành phổ biến phim chiếu rạp và phim phát hành trên mạng không thể chỉ dựa vào Hội đồng thẩm định quốc gia. "Không ai muốn tham gia Hội đồng này vì công việc rất vất vả, thù lao thấp, trách nhiệm cao", ông nói.
Ông Vi Kiến Thành nói Luật điện ảnh hiện hành bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn, Luật sửa đổi được soạn thảo sẽ khắc phục các hạn chế, bất cập nói trên, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện, còn một số kẽ hở. Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn thiện và tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trước khi gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Quốc hội vào tháng 6/2021.
Hà Thu