Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 chiều 22/9, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 nội dung xem xét dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Thảo luận trước đó về tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị làm rõ một số nội dung như "người dân ở tỉnh này có được sang tỉnh khác tham gia đấu giá biển số ôtô không?". Ban soạn thảo cũng cần giải thích thêm tại sao lại chia tỷ lệ nguồn thu từ đấu giá là 70% cho ngân sách Trung ương và 30% cho địa phương nơi cấp biển số.
Giải trình, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long cho biết một trong những nguyên tắc then chốt khi xây dựng nghị quyết này là công dân Việt Nam có quyền đấu giá biển số xe bất cứ tỉnh, thành phố nào trên lãnh thổ Việt Nam. Với cơ sở dữ liệu về công dân, hạ tầng của Bộ Công an hiện nay, việc này chắc chắn thực hiện được.
Còn với tỷ lệ chia nguồn thu, ông Long giải thích là theo dự kiến ban đầu của Bộ Công an, việc tổ chức đấu giá được thực hiện ở công an địa phương. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy đấu giá phân tán sẽ không đảm bảo thống nhất cao. "Chúng tôi cũng xin rút lại đề nghị chia nguồn thu 70-30, toàn bộ kinh phí đấu giá biển số sẽ được nộp vào ngân sách Trung ương", ông Long nói.
Theo tờ trình, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác, nhưng không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, biển số phải được gắn với phương tiện, nếu không sẽ bị thu hồi.
Việc định giá khởi điểm đưa ra đấu giá sẽ được áp dụng thống nhất, với vùng 1 gồm Hà Nội, TP HCM, giá khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 là các địa phương còn lại, giá khởi điểm 20 triệu đồng.
Cơ quan soạn thảo cho rằng nghị quyết này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong lựa chọn, sử dụng "biển số đẹp"; ngăn chặn tình trạng trục lợi trong cấp quyền sử dụng biển số ôtô và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình chế tài không cho mua bán biển số ôtô sau khi trúng đấu giá nhằm hạn chế đầu cơ biển số và tránh phức tạp nếu chủ trương này không được tiếp tục. Tuy nhiên, dự thảo cần làm rõ sau khi kết thúc thời hạn ba năm thí điểm mà không tiếp tục thì quyền sở hữu biển số ôtô trúng đấu giá được giải quyết thế nào.
"Chính phủ nên giải thích tại sao không đấu giá biển nền màu vàng dành cho xe kinh doanh vận tải và môtô, vì số lượng những phương tiện này rất lớn, nhiều tổ chức, cá nhân cũng có nhu cầu chọn biển số theo ý thích", ông Tùng nói.
Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo nhưng đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi".
Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).