Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM thay thế Nghị quyết 54 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Trong dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất UBND các phường, xã, thị trấn tại TP HCM có từ 50.000 dân trở lên được tăng từ hai lên ba phó chủ tịch để đảm bảo nguồn nhân lực lãnh đạo và tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện, phường, xã, thị trấn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc tăng thêm một phó chủ tịch huyện từng được TP HCM thực hiện thời kỳ 2011-2016 theo công văn của Văn phòng Trung ương Đảng về chủ trương tăng chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thành phố. Tuy nhiên, từ nhiệm kỳ 2016-2021 chủ trương này tạm dừng nên các địa phương có dân số đông, tình hình đô thị hóa cao đang thiếu nguồn lực cán bộ quản lý.
Bình quân dân số một huyện tại TP HCM cao hơn trung bình cả nước 239.000 người; dân số một xã, phường của thành phố cao hơn bình quân một xã cả nước gần 19.000 người. Trong khi đó, áp lực tăng dân số cơ học tại TP HCM ngày càng tăng khi mỗi năm có thêm 183.000 người.
Thành phố có 48 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 (gấp ba lần dân số tiêu chuẩn của một phường) nhưng chỉ có hai phó chủ tịch. Đơn cử, phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) có 101.000 người; phường Hiệp Thành (Quận 12) có gần 100.000 người; phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) có 124.000 người; xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có 125.000 người.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng số lượng phó chủ tịch UBND huyện, xã tại TP HCM chưa đảm bảo nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành và phát triển kinh tế xã hội. Bổ sung cấp phó cho UBND huyện, xã sẽ cải thiện quản lý nhà nước, hỗ trợ tốt hơn các doanh nghiệp; góp phần triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội xuyên suốt; chế độ, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Một trong số các chính sách đặc thù khác được đề xuất là Chủ tịch UBND TP HCM được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố. Người được ủy quyền sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trong thời gian xác định, kèm theo điều kiện cụ thể.
Theo quy định hiện hành, chủ tịch UBND TP HCM chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp. Đề xuất mới sẽ nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thành phố, đồng thời giảm tải áp lực công việc cho chủ tịch UBND TP HCM.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất trao quyền cho HĐND TP HCM được quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, căn cứ trên quy mô dân số, hoạt động kinh tế, đặc điểm địa bàn. Tổng số lượng cán bộ công chức cấp xã của thành phố không vượt quá quy định của Chính phủ.
Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã được phân bổ theo nghị định năm 2019 của Chính phủ. Quá trình thực hiện tại TP HCM, một số vướng mắc đã phát sinh do không đủ cán bộ ở những nơi đông dân, địa hình rộng, tính chất phức tạp, đang đô thị hóa.
Tuy nhiên, Nghị quyết 72 năm 2022 của Trung ương đã quyết định tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã cả nước giai đoạn 2022-2026. Do đó, nếu số lượng cán bộ cấp xã tại TP HCM dẫn đến thay đổi số lượng cả nước thì các cơ quan phải xin ý kiến Bộ Chính trị.