Cụ thể, Sở Công Thương đề xuất để hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động; cho phép đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) hoạt động theo phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức từ 6-21h hàng ngày để phân phối hàng hóa kịp thời.
Theo báo cáo cáo của Sở Công Thương TP HCM, chương trình "đi chợ hộ" còn gặp khá nhiều khó khăn, như chuyển chở thực phẩm từ các tỉnh khác về tập kết chậm do thủ tục, một số cửa hàng thiếu nguồn cung cục bộ thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả.
Đồng thời, một khó khăn khác là số nhân viên soạn và giao hàng của các siêu thị, cửa hàng còn ít, lực lượng tổ dân phố hỗ trợ chưa chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm, dẫn đến số đơn hàng hoàn thành giao cho các phường và người dân chưa cao.
Với phương thức "đi chợ hộ" mua theo combo cũng gây khó cho người dân cần phải tiết kiệm chi tiêu, phải tính toán mua những thứ thật sự cần thiết. Tình trạng này mới chỉ khắc phục một phần nhờ đội ngũ giao hàng nhanh và theo nhu cầu từng mặt hàng.
Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM cho thấy, từ ngày 23/8 đến nay (14 ngày), thành phố có khoảng 1,34 triệu hộ đăng ký "đi chợ hộ", chiếm hơn nửa hộ dân sinh sống. Số hộ đã được cung ứng hàng hóa 1,27 triệu hộ, đạt 94,9% so với nhu cầu đăng ký.
"Con số thực tế có thể cao hơn, do có khoảng 20-30% số hộ thực hiện đăng ký ghép để mua hộ cho gia đình và người thân, họ hàng", Sở Công Thương cho biết.
Cùng "đi chợ hộ", Sở Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bổ trợ khác, như bán hàng lưu động theo combo, giao hàng qua shipper, siêu thị 0 đồng hay dự án chợ tình nghĩa với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng...
Trước đó, ông Phương cho biết, ngày 7/9, TP HCM sẽ cho mở điểm trung chuyển hàng ở chợ đầu mối Bình Điền, bước đầu bổ sung thêm lượng hàng hoá cho TP HCM. TP HCM cũng sẽ cho mở lại thêm các chợ truyền thống đảm bảo an toàn chống dịch.
Thi Hà