Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đề xuất cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm để giúp doanh nghiệp duy trì và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Nếu được Chính phủ phê duyệt, chính sách này sẽ được áp dụng trong vòng 2 năm (từ tháng 11/2020). Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch sẽ là đơn vị triển khai chính sách.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp du lịch, chính sách giảm 80% tiền ký quỹ cho lữ hành sẽ không mấy ý nghĩ vì rất ít doanh nghiệp mở công ty trong lúc dịch bệnh. Với những đơn vị đang hoạt động, việc giảm tiền ký quỹ cũng không giúp ích nhiều vì điều doanh nghiệp cần là sức mua từ thị trường.
"Sức mua đang rất thấp nên doanh nghiệp không bán hàng được. Như ở công ty chúng tôi, dù tour, dịch vụ đã được chuẩn bị sẵn sàng; giá thậm chí còn tốt hơn trước nhưng lượng khách cũng không đáng kể, chỉ đạt khoảng 20%", ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink nói. Đề xuất của Bộ KH&ĐT chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi thị trường khởi sắc, các đường bay quốc tế mở cửa đón khách. Lúc đó, lữ hành mới cần nguồn vốn để tái đầu tư, giao dịch.
Cũng theo ông Thành, sức mua du lịch có thể sẽ kéo dài ít nhất đến quý I/2021 vì túi tiền của người dân đã teo tóp sau hơn 10 tháng đương đầu với khó khăn về kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Tâm lý phòng thủ, không dám chi tiêu cũng ngày càng nặng nề, ai cũng lo dịch bệnh kéo dài. Do đó, để vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh này, Chính phủ nên có hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng, người dân để tăng sức mua du lịch thì doanh nghiệp mới "sống" được.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Lữ hành Fiditour – Vietluxtour mong có cơ chế để doanh nghiệp phát hành "phiếu chiết khấu, khuyến mãi" nhằm kích thích sức mua. "Việc phát hành phiếu nên tập trung vào các tour du lịch trọn gói. Từ đó, kích thích được sức mua của du khách do được chiết khấu, giảm giá; doanh nghiệp lữ hành có nguồn doanh thu, tạo ra công việc trở lại cho nhân sự, giữ chân nhân sự; các đơn vị cung ứng trong tour cũng duy trì được hoạt động", ông An nói. Doanh nghiệp sẽ thanh toán lại các khoản chiết khấu, khuyến mại này với cơ quan thuế địa phương khi quyết toán thuế đúng quy định của luật thuế.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cũng đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách tặng tiền cho du khách mua tour trọn gói tại các công ty lữ hành để thu hút người dân du lịch nội địa. Theo đề xuất của ông Kỳ, mỗi khách đăng ký tour trọn gói sẽ được tặng voucher 1.000.000 đồng, trừ trực tiếp vào tiền mua tour và doanh nghiệp sẽ được nhà nước khấu trừ khi nộp thuế.
Điều này vừa thúc đẩy khách đi du lịch, giúp doanh nghiệp du lịch có doanh thu và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. "Chính sách này rất cần thiết để hồi sinh ngành du lịch. Nhà nước tạo cơ chế để doanh nghiệp thực hiện chứ cơ bản là không cho tiền", ông Kỳ khẳng định.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtour cũng khẳng định, vấn đề lúc này là Chính phủ nghiên cứu chính sách đòn bẩy kinh tế. Trong đó, theo ông Hoan, thực hiện miễn thuế VAT cho doanh nghiệp thì giá tour sẽ giảm thêm 10%; tăng cường chi tiêu công sẽ thúc đẩy các hoạt động về hội họp, hội nghị; hỗ trợ chính sách cho người đi du lịch trả chậm hoặc trả góp với lãi suất 0%....
"Chính phủ cũng cần hỗ trợ bằng cách miễn tiền phí, lệ phí vé máy bay vì hiện nay mức phí này chiếm khá cao trong cấu thành giá vé máy bay", ông Hoan nói. Ban hành voucher du lịch dành cho nhóm du khách (người có công, cựu chiến binh, bác sĩ tuyến đầu trong phòng chống dịch...) để kích thích thị trường mua tour trọn gói.
Chính sách hỗ trợ tiền, tặng voucher du lịch cho người dân đã được một số nước như Nhật Bản, Thái Lan áp dụng và đạt được hiệu quả tích cực.
Nguyễn Nam