Theo đề xuất của quận, việc xây dựng các bến thủy nội địa trên Hồ Tây cần khoảng 1.600 tỷ đồng; đài phun nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ khoảng 600 tỷ đồng. Tổng kinh phí cho ba hạng mục là 4.200 tỷ đồng.
Do phải cân đối nguồn vốn để duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường Hồ Tây và thực hiện các dự án đầu tư công khác theo phân cấp, quận đề xuất được triển khai các dự án trên bằng nguồn kinh phí hỗn hợp. Cụ thể, quận chủ động cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng, thành phố bố trí kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội trong hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030.
Tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2016, quận Tây Hồ báo cáo từ năm 2011 quận đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây với tổng vốn 128 tỷ đồng. 440.000 m3 bùn đã được nạo vét. Tuy nhiên, gói thầu nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ đồng bị tạm dừng để đánh giá lại sau sự cố cá chết hàng loạt. Theo một đơn vị tư vấn, muốn làm sạch Hồ Tây phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, nhưng 8 năm qua không có thông tin công khai việc nạo vét sau đó có được tiếp tục hay không.
Tương tự, việc xây dựng đài phun nước ở Hồ Tây là đề án từ năm 2010 dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Địa điểm được nhà đầu tư lựa chọn là khu vực Hồ Tây giáp với đường Thanh Niên. Đài phun nước gồm 3 phần chính: Màn hình chiếu nước có dạng hình quạt dài 60 m, rộng 30 m; máy hiệu ứng nước vệ tinh gồm 8 máy phun được sắp xếp theo hình chữ S; sân khấu nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, dự án không được triển khai.
Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm Hà Nội. Hồ rộng hơn 500 ha với chu vi khoảng 15 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Nghiên cứu của quận Hồ Tây cho thấy hệ thủy sinh vật Hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun...), 12 loài giáp xác, 46 loài cá.
Võ Hải