Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Quốc Hưng - Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, cơ quan này vừa có đợt giám sát về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá Huế. Qua đó cho thấy thực trạng đáng buồn là "di sản thế giới này đã bị xâm hại nghiêm trọng".
Theo ông Hưng, do tồn tại lịch sử, vẫn còn số lượng lớn người dân sinh sống trong vùng lõi của di sản Huế; riêng khu vực Kinh thành đã có khoảng 4.200 hộ dân với hàng chục nghìn người nghèo. Họ có cuộc sống không ổn định do không được phép xây cất nhà cửa kiên cố trên khu vực di sản. Mặt khác, người dân cư ngụ ở đây đã gây áp lực lớn, đe doạ sự tồn vong của di sản.
"Việc di dời số hộ dân nêu trên không chỉ để an dân mà còn giúp bảo vệ di tích Kinh thành, để Thừa Thiên Huế có sức bật mới về du lịch và dịch vụ", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, các nhà văn hoá và cử tri đề nghị đoàn giám sát báo cáo với Quốc hội, Chính phủ thực hiện lời hứa với Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (Unesco) cũng như người dân Huế, xem xét hỗ trợ đề án di dời dân ra khỏi khu vực 1 di tích kinh thành Huế với kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng, giai đoạn từ 2019 đến 2022.
"Nếu không làm gấp trong 2019 thì áp lực lên di sản ngày càng lớn do các gia đình ngày càng nghèo, càng đông con, nhu cầu tách hộ, cơi nới, lấn chiếm nhiều hơn. Hiện có 4.200 hộ, nếu không làm thì số hộ tách ra lên đến 5.000-6.000 hộ, khi đó tiền đền bù tăng, di dời càng khó", ông Hưng nói.
Ngoài việc cấp kinh phí thực hiện đề án di dời dân, ông Hưng cho rằng cần đầu tư thích đáng cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hoá Huế, tương xứng với vai trò, vị thế di sản văn hoá thế giới.
"Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam, là nơi hội tụ, kết tinh những di sản văn hoá truyền thống vô giá của dân tộc. Dù trải qua các biến động của lịch sử, đây vẫn là nơi bảo tồn tốt, đầy đủ nhất diện mạo của một kinh đô lịch sử với cung điện, thành quách, đền đài, lăng tẩm, đàn tế, phủ đệ, nhà vườn và di sản văn hoá phi vật thể phong phú của cung đình, dân gian", ông Hưng nói.
Trước đó ngày 24/10, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo về Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Phát biểu kết luận, Thủ tướng khẳng định việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của địa phương. Ông cho rằng, trước mắt cần tập trung di dời dân cư trong khu vực 1 với 2.938 hộ. Thừa Thiên Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư.
Về kinh phí, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan để tính toán cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh. Thủ tướng nêu rõ chủ trương "tạo thuận lợi cho Thừa Thiên Huế".
Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Theo Luật Di sản, đây là nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng.
Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã lên khu vực Thượng Thành, Eo Bầu và các khu di tích nằm trong Kinh thành Huế sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố.