Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đề xuất người gốc Việt, không có quốc tịch đang sinh sống trong nước được cấp số định danh và được cấp giấy chứng nhận căn cước. Phát biểu tại phiên họp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sáng 10/8, thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng tình với cơ quan soạn thảo.
Theo bà, nhóm dân cư chưa có quốc tịch hình thành do tính lịch sử, chiến tranh, di cư và chưa có văn bản nào giải quyết cơ bản, đầy đủ vấn đề này. Bản thân họ và chính quyền địa phương đều không có cơ sở dữ liệu chứng minh về nhân thân và lai lịch nên cơ quan nhà nước chưa xác định được quốc tịch. Vì vậy, họ cũng chưa đủ điều kiện để được nhập Quốc tịch Việt Nam hoặc cấp thẻ thường trú, tạm trú.
"Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Họ có quyền tham gia giao dịch hành chính, dân sự trong xã hội", tướng Xuân nêu quan điểm.
Theo bà Xuân, thực tiễn đó gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự, đồng thời là rào cản đối với họ trong thực hiện quyền cơ bản của con người như khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội.
Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho biết qua khảo sát tại năm tỉnh miền Tây, có khoảng 25.000 người thuộc diện này đang chưa xác định được lai lịch và cũng chưa có giấy tờ tùy thân.
"Đoàn khảo sát đã đến tận nơi sinh sống của họ thì nhận ra cuộc sống họ chỉ là số không tròn trĩnh. Tất cả không có nhà, không có đất đai, không có giấy tờ, không có nghề nghiệp và không được tham gia vào các lợi ích tối thiểu nhất của xã hội", ông nói.
Những người trong diện này chủ yếu sống rải rác ven sông, hồ, mưu sinh bằng giăng câu thả lưới, cất lều tạm, hoặc sống trên ghe, thuyền. Một số khác làm đủ nghề như nhặt ve chai, bán vé số, phụ hồ. Vì không có giấy tờ, nên họ cũng không thể điều khiển xe máy tham gia giao thông, không xin được việc ở bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. "Việc cấp căn cước cho người gốc Việt là hoàn toàn chính đáng để đảm bảo quyền, lợi ích tối thiểu cho người dân", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông lưu ý những người này đều đang ở những khu vực trọng điểm như biên giới, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam và các thành phố lớn, việc đảm bảo an ninh trật tự phải đặc biệt lưu tâm. Ông cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp Ủy ban Quốc phòng An ninh thiết lập quy định quản lý chặt chẽ những người gốc Việt đang sinh sống trong nước.
Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần có thống kê, phân loại và đánh giá thực trạng những đối tượng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam mà chưa có quốc tịch. "Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động của nhu cầu và việc cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong lĩnh vực này", đại biểu đề nghị.
Theo Điều 7 dự thảo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra; được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết việc cấp số định danh của người gốc Việt Nam, cấp giấy chứng nhận căn cước, thu thập, lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và việc quản lý người gốc Việt Nam.