Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 27/8, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, cho biết sau một tháng giãn cách xã hội, nhiều người dân, đặc biệt hộ nghèo và người lao động phổ thông, sinh viên gặp khó khăn.
Ngoài sử dụng ngân sách và huy động nguồn lực để hỗ trợ bước đầu, thành phố đang xem xét tình hình diễn biến dịch để nới lỏng một số quy định giãn cách xã hội để nhân dân có thể tham gia lao động, sản xuất, buôn bán, thi công công trình.
"Thành phố cũng sẽ thực hiện các tiêu chí phòng, chống dịch ở bệnh viện, chợ, trường học, bến xe, trường học", ông Chinh nói.
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng dù Việt Nam hiện vẫn là quốc gia chống dịch thành công, nhưng đây là cuộc chiến lâu dài, chưa thể xác định được thời gian kết thúc, có thể cuối năm nay hoặc kéo dài hơn.
"Chúng ta xác định sống chung an toàn với dịch, nhưng phải có phương án cụ thể mới đáp ứng được mục tiêu kép vừa chống dịch an toàn, bảo vệ được người dân và vừa phát triển kinh tế, xã hội", ông Đơn nói. Muốn làm được điều này, theo ông phải có kịch bản riêng cho từng lĩnh vực. "Tôi nghĩ cả nước đang đồng lòng".
Việc từng bước mở cửa, nối lại hoạt động kinh tế bị đứt gãy cần làm chặt chẽ, đặt an toàn lên trên hết. "Việc này không nên ồ ạt, nếu chủ quan, dịch bùng phát trở lại sẽ nảy sinh nhiều bất cập", ông nói và đề nghị cần chế tài mạnh mẽ hơn, bắt buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đồng quan điểm, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, nói cả nước cần chuyển trạng thái nhận thức mới cho mục tiêu kép, đề xuất Thủ tướng có chỉ thị mới, khác với Chỉ thị 15, 16 và 19.
"Cần nội dung mới để các ngành, địa phương có kịch bản cụ thể cho tình hình mới", ông nói và cho biết Bộ Công an đang chỉ đạo xử lý mạnh tay hơn nữa những trường hợp vi phạm phòng chống dịch, như tụ tập đông, gây rối, đua xe trái phép.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định đã có mầm bệnh trong cộng đồng, cả nước phải sẵn sàng sống chung với dịch. Chính phủ đã giao quyền cho lãnh đạo địa phương chủ động phương án về phòng chống dịch, phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế và chịu trách nhiệm với quyết định đưa ra.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cho rằng nếu địa phương đã kiểm soát tốt được dịch nên mở cửa dần dần để phát triển kinh tế, trong đó có phải có kế hoạch thu hút FDI, quy trình để chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam... Việc này có thể làm thí điểm ở một số địa phương.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng lây lan trong cộng đồng, mới nhất là ở Hà Nam. Do đó các địa phương tuyệt đối không để tâm lý chủ quan, coi thường mà phải đưa ra phương châm sống chung với dịch hiệu quả.
Về ý kiến cần có chỉ thị trong tình hình mới, Thủ tướng giao cho quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sớm trình phương án cụ thể cho Chính phủ. "Người dân cũng cần có văn hoá ứng xử với dịch bệnh khi tình hình trên thế giới chưa được khống chế và chưa có vắc xin", ông nói.
Bộ Y tế cũng được giao khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế.
Nói không để tình trạng "quá lo về dịch bệnh rồi đóng cửa", gây khó khăn cho kinh tế cũng như đời sống dân nghèo, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố ban hành và hoàn thiện chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch; đồng thời có phương án cụ thể để phát triển sản xuất kinh doanh. Trường hợp đặc biệt phát hiện ổ dịch mới sẽ giãn cách xã hội trong phạm vi cần thiết.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì điều phối các chuyến bay đưa người Việt mắc kẹt ở nước ngoài về Việt Nam và chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam bằng các hình thức linh hoạt, tránh quá tải các cơ sở cách ly tập trung. Bên cạnh đó, cần tăng dần chuyến bay đến các nước dịch đã được kiểm soát, kể cả thương mại và đưa người Việt Nam về nước trên cơ sở kiểm soát và đảm bảo an toàn.