Tối 24/5, TS Đào Mạnh Hoàn, Phó phòng Nghiên cứu tổ chức, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cơ quan xây dựng dự thảo Bộ quy tắc đạo đức công vụ, giải thích thời gian qua có cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn cho công dân, doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục. Ban soạn thảo đề xuất cán bộ, công chức chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở nhằm nâng cao đạo đức công vụ, giữ kỷ luật, kỷ cương hành chính; hạn chế nhũng nhiễu, gây khó khăn.
"Khi anh đang giải quyết công việc cho người dân, nếu thiếu giấy tờ, thủ tục gì thì cần nói luôn, chứ không thể hẹn gặp ở nhà riêng hoặc đi ăn để bổ sung hồ sơ, dễ phát sinh tiêu cực, hối lộ, tham nhũng", TS Đào Mạnh Hoàn nói. Quy tắc chỉ áp dụng khi cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ, không điều chỉnh hành vi dân sự thường ngày của họ.

Người dân làm thủ tục hành chính tại quận Hà Đông, Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: Ngọc Thành
Tuy nhiên, ông Hoàn thừa nhận sẽ khó giám sát và tách bạch việc cán bộ hẹn gặp công dân ngoài trụ sở vì mục đích công vụ hay là các mối quan hệ dân sự thường ngày. Để khắc phục, cán bộ, công chức cần tự ý thức là công bộc của dân, phục vụ nhân dân nên cần giữ gìn đạo đức công vụ.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên thanh tra, giám sát việc thực thi đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Công dân, doanh nghiệp được khuyến khích phát huy quyền giám sát quá trình làm việc của những người thực thi công vụ, nếu phát hiện vi phạm thì phản ánh đến cơ quan chức năng để xử lý.
Bộ quy tắc đạo đức công vụ được coi là khung cơ sở để các bộ, ngành, địa phương ban hành quy tắc riêng phù hợp với thực tiễn mỗi nơi. Dự kiến sáng 25/5, Bộ Tư pháp họp hội đồng thẩm định dự thảo. Sau đó, dự thảo tiếp tục được hoàn thiện để trình Chính phủ.
Ngoài đề xuất chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc hoặc tại nhà riêng, dự thảo Bộ quy tắc đạo đức công vụ quy định cán bộ, công chức giao tiếp với công dân phải chuẩn mực, rõ ràng; không hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc. Cán bộ cần lắng nghe, tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho người dân về quy trình, thủ tục; tôn trọng phong tục, tập quán, văn hóa của người nước ngoài.
Cán bộ, công chức phải liêm khiết, chính trực; không gây phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc; không xu nịnh; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Trước, trong thời gian làm việc hoặc nghỉ giữa giờ, cán bộ không được uống rượu, bia, đồ có cồn; không được quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị dưới mọi hình thức tại nơi làm việc.
Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức và những việc không được làm liên quan đến đạo đức công vụ. Hồi tháng 2, Thủ tướng ký Quyết định ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng, trong đó giao Bộ Nội vụ xây dựng nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ.