Hôm nay, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị để lấy ý kiến các ngành về dự thảo quy định này. Theo quyết định 227 của UBND thành phố Hà Nội trước đây, các hàng ăn uống được phép sử dụng hè phố từ 5h đến 8h sáng, từ 19h đến 24h đêm. Tuy nhiên, theo dự thảo mới, nội dung này sẽ bị bãi bỏ vì trái với Luật giao thông đường bộ, đường phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
![]() |
Những hàng rong trên đường phố sẽ bị xóa bỏ. Ảnh: Hoàng Hà |
Nhiều lãnh đạo các ngành, UBND các quận tỏ ý đồng tình với dự thảo quy định mới. Một số lãnh đạo quận nêu thực trạng, hàng rong, hàng ăn uống thường hoạt động cả buổi sáng, thậm chí cả ngày, lực lượng chức năng rất khó "đuổi" nên cần cấm triệt để.
Ông Lâm Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, tán đồng việc cấm hàng rong. Bởi quận có tới hơn 2.000 người bán hàng rong nên rất khó cho lực lượng chức năng kiểm soát. Song ông cũng đề xuất, trên một số tuyến đường trung tâm có khả năng kinh doanh hàng hóa, hàng ăn uống thì cần được tận dụng kinh doanh.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Khôi không đồng tình. Theo ông Khôi, nguyên tắc là đường phục vụ đi lại chứ không để kinh doanh.
Tuy nhiên, dự thảo này chưa nhận được sự đồng tình của Sở Tư pháp, theo đại diện của Sở, đối tượng bán hàng rong, quà sáng phần lớn là dân nghèo, nếu chính quyền cấm triệt để thì ảnh hưởng đời sống của họ. Do vậy, thành phố nên quy định hoạt động theo giờ, tại những khu vực cho phép. Sở này cũng đã có tờ trình kiến nghị UBND thành phố xem xét lại vấn đề này trước đó.
Trước các luồng ý kiến khác nhau, cuối cùng hội nghị đã thống nhất , loại dịch vụ hàng rong, hàng ăn uống được phép hoạt động trong ngõ, phố không tên để phục vụ nhu cầu người dân, cũng như tránh ảnh hưởng quá lớn đền bộ phận người nghèo có thu nhập chính từ kinh doanh hàng rong.
Hiện, Hà Nội có tới hàng chục nghìn người đang kinh doanh nhờ hè phố.
Không được trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường
Dự thảo mới nêu rõ, cấm mọi tổ chức, cá nhân tự ý đào bới, hạ thấp, nâng cao hè phố; làm cầu đưa xe lên xuống, xây dựng làm biến dạng hè phố, lòng đường; không sử dụng lòng đường để tổ chức trông giữ xe đạp, xe máy. Trong trường hợp đặc biệt sử dụng hè phố, lòng đường, phải được phép của Sở GTCC hoặc quận theo phân cấp.
Việc để xe trên vỉa hè cũng được quy định rõ: cấm để xe trên các tuyến phố là hành lang bảo vệ, trường học, di tích lịch sử đã được xếp hạng, cơ quan nước ngoài. UBND thành phố sẽ ban hành danh mục các tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Việc trông giữ hoặc để xe trên vỉa hè cũng phải đúng theo chỉ giới, không được để gần nút giao thông, xe phải xếp thẳng hàng, cách hè 0,2m, quay đầu vào trong và dành lối đi tối thiểu 1m cho người đi bộ. Không được cắm cọc, chăng dây rào chắn bảo vệ xe dọc ngang hè phố.
Các hộ dân có nhu cầu sử dụng hè phố cho việc cưới, việc tang phải xin phép UBND phường, thị trấn nơi sử dụng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Giám đốc Sở Thương mại, phải phân rõ trách nhiệm việc để xe trên vỉa hè, ngoài chủ phương tiện thì chủ cửa hàng hoặc tổ chức có trách nhiệm đối với phương tiện để trước cửa nhà mình. Khi xe để lộn xộn thì lực lượng chức năng có thể phạt cả chủ kinh doanh.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, các quận phải khảo sát kỹ các tuyến phố cho phép để xe trên vỉa hè, bởi trước đây việc để xe tại tuyến phố rộng trên 3m đã tạo bộ mặt đô thị khá khang trang.
Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Khôi cũng thống nhất rằng, các quận, huyện sẽ phải lập quy hoạch các điểm trông giữ xe, điểm đỗ ô tô trên địa bàn, để chủ động cấp phép và kiểm tra. Việc phân cấp quản lý hè đường phố cho các quận, huyện cũng là gắn chặt trách nhiệm quản lý địa bàn đó.
Dự thảo quy định quản lý hè, đường phố sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, lấy ý kiến, dự kiến được UBND thành phố ban hành đầu năm 2008.
Đoàn Loan