Phát biểu tại hội thảo về chính sách dân số diễn ra ở Hà Nội tuần qua, Phó tổng cục trưởng Dân số Nguyễn Văn Tân cho biết, đề xuất các cặp vợ chồng được tự quyết số con vẫn còn hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng phải tiếp tục sinh 1-2 con hoặc nới lỏng hơn nữa cho phép sinh 2 con để làm chuẩn mực cho mọi người thực hiện. Một bên lại muốn quay lại quy định như Pháp lệnh dân số 2003, các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh.
"Quan điểm của chúng tôi là từng bước nới lỏng chính sách kiểm soát mức sinh giúp duy trì mức sinh ở mức thay thế như thời gian qua", ông Tân nói và cho rằng nới lỏng chính sách có thể khiến quy mô dân số tăng trong ngắn hạn nhưng dài hạn mức sinh sẽ không tăng nhiều. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trong 10 năm qua dù nới nhưng không tăng lên và duy trì khoảng 14-15%; có nơi tăng có nơi giảm nhưng tính trung bình cả nước thì vẫn ở mức này.
Nếu Việt Nam tiếp tục để mức sinh xuống thấp quá thì sẽ rất khó để vực lên. Bài học kinh nghiệm của nhiều nước láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... là ví dụ. Vì xử lý mức sinh thấp khó hơn nhiều đưa từ cao xuống thấp. Chưa có nước nào đủ sức thành công trong việc đưa mức sinh từ thấp lên cao.
Trong suốt 50 năm qua Việt Nam tập trung xử lý vấn đề về quy mô dân số do dân số tăng quá nhanh, làm thế nào để giảm mức sinh đang quá cao xuống thấp. Cũng như nhiều nước Việt Nam đã rất thành công, trong 20 năm tránh sinh được gần 20 triệu trẻ.
Theo ông Tân, dự kiến đến năm 2015, Việt Nam mới đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con cho một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên ngay từ năm 2006 đã đạt được mục tiêu này và duy trì suốt 10 năm qua. Vấn đề đặt ra là có tiếp tục giảm sinh mạnh như những năm vừa qua hay không, hay thay đổi chính sách, khuyến khích sinh thêm. "Chúng ta vẫn cần kiểm soát mức sinh nhưng kiểm soát như thế nào cho hợp lý”, ông Tân nói.
Có 3 phương án quy mô dân số Việt Nam được đưa ra. Thứ nhất nếu tiếp tục duy trì tốc độ giảm sinh như hiện nay thì dự báo đến năm 2049 quy mô dân Việt Nam là 99 triệu. Thứ hai phương án trung bình, tiếp tục duy trì mức sinh như hiện nay, dân số sẽ là 105-110 triệu. Thứ ba là phương án mức sinh cao, dân số tăng lên sau đó bắt đầu giảm xuống mức sinh thay thế và đạt 120 triệu vào năm 2049.
Theo ông Tân, Tổng cục tạm thời chọn phương án trung bình, quy mô dân số dao động 115-120 triệu.
Dự án luật dân số dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Năm 2014, dân số Việt Nam là 90,5 triệu; tổng tỷ suất sinh luôn dưới mức sinh thay thế kể từ năm 2006 - dưới 2,1 con cho một bà mẹ. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các vùng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì mức sinh thấp trong 5-6 năm qua như TP HCM là 1,68; Cà Mau là 1,7. Ngược lại một số tỉnh như Hà Tĩnh tổng tỷ suất sinh lên đến 2,95; Quảng Trị là 2,75; Kon Tum là 2,7...
Pháp lệnh Dân số (ban hành năm 2003) có quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Tuy nhiên, nó khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Năm 2009 quy định này được sửa lại thành "Mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con".
Thời gian gần đây do xu hướng giảm sinh tại một số tỉnh, thành; ngành dân số có thông điệp linh hoạt hơn thay đổi sang "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con".
Nam Phương