Từ ngày 5/5, Bộ Quốc phòng bắt đầu lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Mục tiêu là nâng cao năng lực phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh hoặc sự cố, thảm họa; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Bộ Quốc phòng đánh giá, thể chế về công tác phòng thủ dân sự đã được quy định trong một số luật như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tế, thiếu tính khả thi. Công tác dự báo, cảnh báo có lúc thiếu chính xác, không kịp thời, nhất là lũ quét, sạt lở đất...
Vì vậy, Bộ Quốc phòng cho rằng cần thiết ban hành luật này nhằm chủ động phòng, chống thảm họa do thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ cho người dân, cơ quan, tổ chức, kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Cơ quan này đề xuất bốn cấp độ thảm họa, sự cố, dựa vào đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực chịu tác động; tính chất, mức độ nguy hiểm... Đây là lần đầu tiên hệ thống phân cấp rủi ro, thảm họa được đưa ra trong một dự luật.
Cấp độ một là tình huống xảy ra thảm họa, sự cố làm thiệt hại hoặc đe dọa làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường trên một khu vực nhất định, không có khả năng phát tán, lan rộng sang khu vực khác.
Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ứng phó thảm họa, sự cố cấp độ một như: Sơ tán người, tài sản; chuẩn bị lương thực, nước uống và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu; sơ cứu, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ...
Cấp độ hai là tình huống giống cấp một nhưng có khả năng phát tán, ảnh hưởng sang khu vực khác. Ở cấp này, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền quyết định các biện pháp ứng phó như: Cách ly y tế, theo dõi, điều trị trường hợp nhiễm bệnh; hạn chế vận chuyển người, hàng hóa ra khỏi vùng dịch bệnh; khuyến nghị giãn cách xã hội căn cứ theo mức độ; chuyển đổi hình thức hoặc tạm dừng hoạt động trường học, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu...
UBND cấp tỉnh có thẩm quyền công bố thảm họa sự cố cấp độ một và hai, trừ thảm họa chiến tranh, siêu bão.
Cấp độ ba là tình huống xảy ra thảm họa, sự cố làm thiệt hại hoặc đe dọa làm thiệt hại rất nghiêm trọng trên địa bàn một hoặc nhiều tỉnh, thành phố, có khả năng phát tán, ảnh hưởng sang các địa bàn khác. Chính phủ công bố cấp độ thảm họa, sự cố đối với thảm họa chiến tranh, siêu bão và cấp độ ba.
Khi đối mặt với thảm họa cấp độ ba, Chính phủ quyết định hoặc phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định áp dụng các biện pháp: Giãn cách xã hội; tạm dừng hoạt động trường học, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, lễ hội, tôn giáo không thiết yếu trong khu vực xảy ra thảm họa; tạm dừng xuất cảnh, nhập cảnh...
Cấp độ bốn (tình trạng khẩn cấp) là tình huống xảy ra thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc nhiều tỉnh, thành phố hoặc trên phạm vi toàn quốc, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân, tài sản, tính mạng, sức khỏe người dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp thuộc về Quốc hội.
14 loại thảm họa, sự cố được quy định trong luật gồm: Chiến tranh; thảm họa tàu hỏa, tàu điện, tàu ngầm; thiên tai (động đất, sóng thần, siêu bão, hạn hán...); dịch bệnh nguy hiểm; sự cố cháy rừng; sự cố vỡ đê, công trình thủy lợi; rò rỉ phóng xạ; sự cố môi trường; sự cố tràn dầu; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; sự cố an ninh mạng...
Trong tình huống này, Thủ tướng chỉ đạo thi hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp, có quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp đặc biệt, đồng thời quyết định các cơ quan, tổ chức hoặc người có trách nhiệm thi hành biện pháp đó.
Trước dự luật này, chỉ cấp độ rủi ro thiên tai được phân loại theo quyết định số 18 của Thủ tướng năm 2021. Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp; cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.