Đây là thông tin trong dự thảo Nghị định về quản lý bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không mà Bộ Công an đang lấy ý kiến, từ 24/2.
Bộ Công an cho rằng tình hình an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp. Trước kia, các đơn vị của Bộ Công an đã phát hiện và xử lý nhiều sự việc liên quan an ninh quốc gia như vụ phá hoại bằng bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 2017, đe dọa đánh bom hãng hàng không Cathay Pacific 2019, đuổi 17 nghi phạm khủng bố nước ngoài nhập cảnh Việt Nam...
Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công an đề xuất trong tình huống khẩn cấp để bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ trưởng Công an có quyền quyết định ngừng các chuyến bay đến một hoặc một số cửa khẩu đường hàng không. Thời hạn không quá 24 giờ.
Nếu cần kéo dài thời gian tạm ngừng chuyến bay, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp phù hợp. Đối với các chuyến bay do Bộ Ngoại giao cấp phép bay thì phải thông báo cho Bộ này về quyết định tạm ngừng.
Trong khi đó, theo Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Thanh tra hàng không (thuộc Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải) có quyền lập biên bản và ra quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay khi tàu bay chưa khởi hành.
Theo dự thảo, khi có căn cứ xác định người xuất, nhập cảnh trái phép trên chuyến bay hoặc để ngăn chặn hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, công an cửa khẩu có quyền tạm ngừng chuyến bay chưa cất cánh (chưa vào đường lăn cất cánh). Thời hạn quyết định tạm ngừng chuyến bay chưa cất cánh là hai giờ. Nếu cần kéo dài công an cửa khẩu báo cáo Bộ trưởng Công an quyết định.
Khi xảy ra nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp, Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xét duyệt cấp phép bay đến cửa khẩu đường hàng không. Hai bộ này sẽ phối hợp áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường lên cấp độ cao nhất, có thể điều chỉnh trình tự, thủ tục, luồng di chuyển hành khách phù hợp yêu cầu bảo đảm an ninh hàng không.
Kiểm soát chặt khu cách ly
Trong dự thảo, Bộ Công an giải thích khu vực cách ly là nơi hành khách đã hoàn thành các thủ tục về soi chiếu an ninh, xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế; tiếp cận trực tiếp với tàu bay. Hiện nay, việc quản lý khu vực này chưa cụ thể nên Bộ Công an đề xuất cần quản lý chặt hơn, tránh phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh.
Bộ Công an cho hay, đây là khu vực cần quản lý nghiêm ngặt vì quy chế pháp lý với hành khách ở đây mang tính đặc thù, cần hạn chế tối đa người vào, ngoài hành khách xuất nhập cảnh. Người ở khu vực cách ly nhập cảnh dù đã ở trên lãnh thổ Việt Nam nhưng về thủ tục là chưa nhập cảnh Việt Nam. Người ở khu vực cách ly xuất cảnh vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam nhưng về thủ tục là đã xuất cảnh.
Dự thảo nêu rằng về an ninh hàng không, các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không vào khu vực cách ly. Số lượng lớn người được quyền tiếp cận khu vực cách ly ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của nhà chức trách. Bởi thế Bộ Công an đề xuất quy định người vào, ra khu vực cách ly phải được sự đồng ý, tuân thủ sự hướng dẫn, giám sát, quản lý của Công an cửa khẩu.