Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó đưa ra nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ lao động, chủ doanh nghiệp sau đợt dịch kéo dài.
Theo đó, Bộ sẽ có chính sách cho người thu nhập thấp, hỗ trợ các chi phí sinh hoạt tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế để bù đắp khó khăn do dịch tác động. Cơ quan này cũng khuyến khích doanh nghiệp trả thêm tiền lương, ăn ca, chế độ phúc lợi để giữ chân lao động.
Các địa phương có khu công nghiệp, chế xuất muốn thu hút người ngoại tỉnh đến làm việc cần hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, chi phí cho lao động nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai, sắp xếp nơi ở tạm thời hoặc trao tiền mặt trực tiếp cho người ngoại tỉnh thuê nhà lúc mới đến làm việc để ổn định cuộc sống.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ rà soát các quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng nếu có sự thỏa thuận giữa lao động và chủ sử dụng, đảm bảo không vượt quá 300 giờ trong năm và không giới hạn nhóm ngành nghề, công việc.
Trong dự thảo điều chỉnh giờ làm thêm đưa ra hồi tháng 9, Bộ tính toán theo hướng bỏ trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng, nhưng không quá 300 giờ mỗi năm, áp dụng cho tất cả các ngành nghề thay vì một số ngành đặc thù, dự kiến kéo dài tới 31/12/2024.
Luật hiện hành có hiệu lực từ đầu năm 2021, quy định làm thêm không quá 200 giờ mỗi năm, nới mức trần làm thêm theo tháng lên 40 giờ thay vì 30 giờ như cũ. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày.
Khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm chỉ áp dụng cho một số ngành nghề, như diêm nghiệp, điện, điện tử, bên cạnh các nghề hiện hành là sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước.
Ngoài ra, Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm, có sự kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin khi thực hiện các gói hỗ trợ. Hai năm ảnh hưởng của đại dịch, Bộ đã xây dựng chính sách để Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, 26.000 tỷ đồng; thúc đẩy sự ra đời của gói 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài gói 38.000 tỷ đồng gần giải ngân nhanh trong gần ba tháng do sẵn dữ liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội, các gói còn lại gặp một số vướng mắc, nhất là trong chi trả cho lao động tự do vì thiếu thông tin. Vì thế xây dựng dữ liệu lao động, ứng dụng công nghệ vào hỗ trợ người khó khăn là việc cấp bách trong bối cảnh đại dịch tác động lâu dài và chưa biết bao giờ kết thúc.
Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động cũng tính đến việc giảm lãi suất, bổ sung nguồn vốn vào Quỹ quốc gia về việc làm để các hộ vay vốn phục hồi, phát triển kinh doanh. Mục tiêu chung của chương trình duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; hỗ trợ lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp cao yên tâm làm việc và đặc biệt thu hút lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.
Ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ tư, thị trường lao động, việc làm có nhiều biến động, đứt gãy. Tỷ lệ thất nghiệp quý III lên mức cao nhất trong vòng mười năm, tới 3,98%. Số người có việc làm ở khu vực chính thức lẫn phi chính thức đều sụt giảm, lần lượt gần 469.000 người và 2,9 triệu người. Hàng triệu lao động khu vực phi chính thức "không còn cơ hội tìm được việc làm", kể cả tạm thời. Làn sóng dịch còn còn gây ra một cuộc hồi hương của hàng triệu lao động từ các tỉnh thành phía Nam vào tháng 7 và ồ ạt vào đầu tháng 10.
Hồng Chiêu