- Trong quá trình góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng như Luật Đất đai (sửa đổi), có quan điểm đề nghị đa dạng hóa sở hữu đất đai. Vì sao chúng ta vẫn giữ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”?
- Đây là một vấn đề rất lớn, ý kiến hiện nay cũng rất khác nhau. Nhưng đa số ý kiến của nhân dân, các cơ quan, tổ chức đều khẳng định, trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của chúng ta, sở hữu toàn dân về đất đai là phương án hợp lý nhất. Nó có tính chất lịch sử tất yếu và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Bởi vấn đề đất đai không chỉ thuần túy là kinh tế mà đây là vấn đề chính trị - xã hội.
Việc hình thành lịch sử đất đai của Việt Nam đã trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc để giành từng thước đất. Các chế độ đất đai cũng qua nhiều thời kỳ rất khác nhau. Cho nên, nếu nói tư hữu hóa đất đai hay nhiều hình thức sở hữu đất đai thì sẽ có những vấn đề hết sức phức tạp về mặt chính trị, xã hội.
Cái chính ở đây không phải vấn đề sở hữu mà là quy định về quyền của người chủ sở hữu đất thay mặt cho toàn dân trong vấn đề sở hữu đất, cũng như quyền của người dân được giao quyền sở hữu đất như một quyền tài sản. Pháp luật phải bảo hộ, bảo vệ được cái quyền tài sản đó của người dân. Đặc biệt, phải xử lý được những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện nay trong hàng loạt vấn đề nóng như thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, giá đất, chính sách tài chính về đất đai... cũng như làm rõ cơ chế quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai. Nếu làm tốt, tất cả những điều chỉnh đó sẽ giải quyết được tồn tại, bất cập hiện nay.
Ông Uông Chu Lưu - Phó chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Như vậy, có thể hiểu nếu tiếp tục duy trì hình thức sở hữu toàn dân về đất đai và Nhà nước là đại diện thì quyền lợi của người dân sẽ ngày càng được đảm bảo hơn?
- Chắc chắn là như vậy. Chúng ta phải làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất và khẳng định đây là quyền tài sản. Quyền sử dụng đất như là quyền tài sản được ghi nhận vào Hiến pháp, đấy là bảo đảm cho người dân.
- Khi góp ý sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến đề nghị không quy định Nhà nước thu hồi đất cho các dự án kinh tế - xã hội để tránh bị lạm dụng. Ý kiến này được Ủy ban sửa đổi Hiến pháp ghi nhận như thế nào?
- Người ta lo ngại rằng nếu để quy định như vậy về các dự án phát triển kinh tế xã hội thì có thể mở rộng quá quyền thu hồi đất của các cơ quan, tổ chức Nhà nước và có thể dẫn đến xâm phạm quyền sử dụng đất của người dân, có thể dẫn đến ở chỗ này chỗ khác tùy tiện trong thu hồi đất. Người ta cũng nêu, trong dự thảo Hiến pháp đã nói “thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng mà trong lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao gồm, bao hàm cả vấn đề thu hồi đất để phát triển các dự án kinh - tế xã hội rồi” cho nên, không cần thiết phải bổ sung thêm nữa.
Đây cũng là những ý kiến mà chúng ta cần phải ghi nhận để xem xét khi trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định. Tôi nghĩ cũng cần phải cân nhắc bởi đây là một ý kiến hợp lý.
Ngày 7/3, HĐND TP Hà Nội tổ chức hội nghị đại biểu HĐND góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhiều đại biểu đã góp ý cho điều 58 (Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội). Theo đại biểu Lưu Khắc Dũng (quận Long Biên), thực tế hiện nay tình trạng thu hồi đất vẫn gây ra nhiều bất cập. Nếu quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng cho các dự án kinh tế xã hội nên để hình thức trưng dụng, trưng mua. Hơn thế nữa, phải cắt nghĩa rõ thế nào là “thật cần thiết”. Đại biểu Nguyễn Đình Dương (huyện Từ Liêm) đề xuất, quy định nhà nước thu hồi đất chỉ nên ghi là thu hồi “quyền sử dụng đất” cho mục đích quốc phòng, an ninh, cộng cộng. Riêng dự án phát triển kinh tế xã hội trong trường hợp cần thiết phải quy định thêm, nếu không sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát. |
Nguyễn Hưng ghi