4. Để có con người sáng tạo
4.1. Sự sáng tạo thuộc về tài năng. Trong giáo dục và đào tạo con người, "tài" đi liền với "đức". Trong văn hóa giáo dục có hai vấn đề: một là quan niệm về "tài", "đức"; và hai là mối quan hệ giữa "tài" và "đức". Ở thời phong kiến, tiêu chí đánh giá "tài" là năng lực học thuộc lòng và giải thích Tứ thư Ngũ kinh; tiêu chí đánh giá "đức" là sự thấm nhuần và thể hiện tinh thần "trung - hiếu - tiết nghĩa". Năng lực và tri thức (tài) về kinh điển Nho giáo nằm gọn trong một chữ VĂN, phẩm chất (đức) "trung - hiếu - tiết nghĩa" nằm gọn trong một chữ LỄ. Quan hệ giữa "đức" và "tài", giữa "lễ" và "văn" được đúc kết trong câu "Tiên học Lễ, hậu học Văn".
Trọng Lễ chính là một nguyên lý cơ bản trong triết lý giáo dục của thời phong kiến. Không phải ngẫu nhiên mà trong chính quyền phong kiến, Bộ quản lý toàn diện các hoạt động văn hóa, giáo dục, ngoại giao được đặt tên là "Bộ LỄ" và đứng ở vị trí thứ hai, chỉ sau Bộ Lại quản lý về nội vụ. Chữ Lễ theo Hán Nho là phải biết giữ mình trong khuôn phép, biết phục tùng người trên. Trần Văn Giàu viết: "Lễ trở thành những hình thức ràng buộc. Ràng buộc của Lễ phong kiến rất phiền phức, khó chịu" (1993, tr. 283).
Trong đào tạo người thừa hành thì phương pháp giáo dục thích hợp hiển nhiên là lấy thầy làm trung tâm, người thầy được đặt vào vị trí thứ hai (sau Vua) trong thang bậc "Quân-Sư-Phụ". Việc đề cao vai trò của người thầy như một truyền thống tốt đẹp của dân tộc thể hiện qua những câu thành ngữ - tục ngữ phần lớn có nguồn gốc Nho giáo như "Tôn sư trọng đạo"; "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"...
Như thế, từ nguyên lý giáo dục đến phương pháp giáo dục thời phong kiến đều thống nhất phục vụ cho sứ mệnh giáo dục là đào tạo người thừa hành và mục tiêu giáo dục là cung cấp nguồn nhân lực để "trị quốc an dân".
4.2. Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng để thay đổi một số quan niệm và thói quen trong văn hóa học đường truyền thống, để xã hội Việt Nam có con người sáng tạo.
Cụ thể, Bác ít khi nói đến "lễ" và "văn", "Tiên học Lễ, hậu học Văn"; Bác cũng không đặt "đức" trước "tài", mà đặt "tài" trước "đức". Ngày 20-11-1946, với tư cách là Chủ tịch Nước, Bác công bố bức thư có tên là "Tìm người tài đức" (sau này được coi là "Chiếu cầu hiền thời Cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Từ đó về sau, Bác thường xuyên dùng cách diễn đạt "có tài có đức", trong đó tuyệt đại bộ phận theo thứ tự tài trước, đức sau. Trong 15 tập của bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, cặp giá trị "tài và đức" được Bác nhắc đến tổng cộng 14 lần (từ tháng 10-1945 đến tháng 8-1959), trong đó có 12 lần Bác nói tài trước, đức sau. Cần hiểu rằng thứ tự trước sau ở đây không phải là thứ tự về thời gian, mà là thứ tự về vai trò. Tháng 8-1959, Bác nói: "Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài" (2011, tập 11, tr. 269). Đức có trước để làm nền tảng; trên nền tảng đó, tài đóng vai trò quan trọng. Người đức có thể có nhiều, còn người tài thì bao giờ cũng hiếm. Người có đức chưa chắc có tài, mà đức thì có thể suy thoái, biến chất.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước buộc phải bổ nhiệm làm cán bộ hàng loạt cá nhân xuất thân từ bần cố nông ít học. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, trong số họ đã nảy sinh hàng loạt thói hư tật xấu. Tháng 10-1947, Bác đã phải đích thân viết tài liệu hướng dẫn "Sửa đổi lối làm việc" (ký tên X.Y.Z.), trong đó chỉ ra hàng loạt căn bệnh "rất nguy hiểm" tồn tại trong hàng ngũ cán bộ. Người tài thực sự (nhân tài) thường có đức, mà tài năng một khi đã có thì không thể suy thoái được. Do vậy, đức chỉ là điều kiện cần, là cái nền để trên đó phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Đó chính là một trong những sứ mệnh của triết lý giáo dục, là lý do vì sao Bác thường nói "có tài, có đức", đặt tài trước đức. Không phải ngẫu nhiên mà V.I. Lênin từng nói thẳng: "Đối với chúng ta một ‘chuyên gia khoa học và kỹ thuật’, dù là chuyên gia tư sản, nhưng thạo công việc của mình, thì cũng vẫn mười lần quý hơn người đảng viên cộng sản huênh hoang". Và "tôi có thể đổi hàng tá những người đó lấy một chuyên gia tư sản thành thạo và nghiêm túc nghiên cứu nghiệp vụ của mình" (Lê-nin V.I., 2005, tr. 434-435).
Ngoài ra, khi nói đến yêu cầu về "chuẩn đầu ra", trong văn hóa học đường Việt Nam còn có cụm từ "hồng và chuyên". Trong suốt cuộc đời của Bác thể hiện qua 15 tập "Hồ Chí Minh toàn tập", Bác chỉ nhắc đến cụm từ "hồng và chuyên" duy nhất một lần vào cuối đời, trong Di chúc. Điều này có thể hiểu được: Cặp "tài và đức" là hai giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam; còn "hồng và chuyên" là cặp khái niệm của cách mạng Trung Quốc, từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong nửa sau những năm 1950 và phổ biến vào những năm 1960, khi ở Trung Quốc diễn ra cách mạng văn hóa.
4.3. Để có con người sáng tạo, cần đề cao dân chủ trong giáo dục, khuyến khích tư duy phản biện, khai phóng, khuyến khích sự sáng tạo trong giáo dục con người. Cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng. Cho đến nay, tình trạng phổ biến trong biên soạn sách giáo khoa ở mọi cấp từ phổ thông đến đại học vẫn là phải ngắn gọn để đáp ứng yêu cầu học thuộc lòng của người học. Mọi đề thi (kể cả tự luận) từ phổ thông đến đại học đều phải có sẵn đáp án đính kèm. Mọi sáng tạo độc đáo khác với đáp án thường bị điểm kém. Ở bậc phổ thông có tuyển tập những bài văn mẫu cho tất cả các lớp, có hẳn một website "vanmau.edu.vn".
Đề cao quá mức vai trò của người thầy có thể kéo theo hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng quái đản như trường hợp cô giáo này không nói suốt ba tháng đứng lớp; cô giáo kia bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng... Vai trò thực sự của người thầy trong giáo dục sáng tạo là hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình. Dân chủ trong giáo dục là dân chủ trong trao đổi và sáng tạo tri thức, dân chủ phải đi cùng với pháp quyền chứ không phải thứ dân chủ dẫn đến rối loạn xã hội, dẫn đến những sự cố như học sinh bóp cổ cô giáo, đâm thủng bụng thầy giáo; phụ huynh xông vào lớp tát cô giáo, phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi...
4.4. Để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó. Các căn bệnh này có ở cả trong người học, trong phụ huynh và trong nhà quản lý.
Người xưa đi học cốt để thi đỗ làm quan thì nay tuy có động cơ học tập đúng trên lý thuyết nhưng trên thực tế một số không nhỏ người học vẫn chỉ lo học để đối phó với thi cử, thi cử cốt để đỗ lấy bằng (trong cuộc khảo sát của chúng tôi năm 2020, trả lời cho câu hỏi "Bạn thường bổ sung, củng cố kiến thức đã học theo cách nào?" thì tỷ lệ cao nhất thuộc số những người "Ôn lại khoảng 1-2 tuần trước khi thi" - 38,6%, và thấp nhất thuộc số những người ôn lại mọi lúc, những người học thực sự vì tri thức, học suốt đời - 9,4%). Số đông phụ huynh vẫn chỉ mong con cái có điểm số cao (57,6%), ra trường có thu nhập cao (71,9%) và địa vị cao trong xã hội (57,9%). Để có địa vị cao trong xã hội, học sinh Việt Nam đua nhau học lên cao (bệnh phong trào): Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở Việt Nam năm 2017, có hơn 75% thí sinh tốt nghiệp phổ thông dự thi để đăng ký xét tuyển đại học (trong khi số học sinh tốt nghiệp phổ thông tiếp tục học lên đại học ở Mỹ [vào những năm 80] là 45%, ở Nhật là 38%, ở Pháp là 25%, ở Đức là 19% (Панов В.Г. (гл. ред.), 1993-1999: 331). Hệ quả là trong đội quân thất nghiệp ở Việt Nam, thanh niên và người có trình độ cao chiếm một số lượng lớn (năm 2017 có 20 vạn cử nhân thất nghiệp). Người làm quản lý giáo dục thường muốn có nhiều trò thi đỗ, điểm cao; thầy cô thường nhồi nhét kiến thức. Hệ quả là bệnh thành tích lan tràn, học trò chịu áp lực lớn, học sinh giỏi vẫn nhảy lầu tự tử. Bệnh giả dối cũng lan tràn với vấn nạn học giả bằng thật, với tệ quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông; việc sao chép trong làm tiểu luận, viết luận văn luận án gặp không ít ở bậc đại học và sau đại học.
Để khuyến khích sáng tạo, khuyến khích tư duy phản biện, cần thay việc giáo dục hàng loạt với quan niệm thành tích tính theo điểm số, theo số lượng trò điểm cao, thi đỗ bằng giáo dục cá nhân hóa theo quan niệm giáo dục phải "làm phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của các em" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến trong "Thư gửi các học sinh" nhân dịp khai giảng đầu năm học năm 1945 (2011, tập 4: 34). Bên cạnh nền giáo dục phổ thông theo hệ thống do Nhà nước tổ chức, cần sớm thừa nhận và luật hóa mô hình giáo dục tại gia, hay gia thục (homeschooling) hiện nay đang trở nên ngày càng phổ biến ở nhiều nước phát triển trên thế giới như một giải pháp thay thế hợp pháp cho các trường công lập và tư thục.
Trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, các bệnh thành tích và bệnh đối phó tiếp tục được thể hiện ở tâm lý nóng vội, muốn có kết quả nhanh bằng cách làm chắp vá theo kiểu "cuốn chiếu" (trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa...).
5. Kết luận và kiến nghị
5.1. Để xây dựng một xã hội phát triển và hội nhập, cần bắt đầu từ giáo dục và đào tạo. Để đổi mới giáo dục và đào tạo cần có một giải pháp tổng thể nhưng không dàn trải mà có chìa khóa, có trọng tâm, trọng điểm. Chìa khóa phải là thay đổi triết lý giáo dục. Trong triết lý giáo dục, trọng tâm, trọng điểm phải là thay đổi mô hình văn hóa giáo dục nói chung và văn hóa học đường nói riêng từ mô hình hướng đến xã hội ổn định chuyển sang mô hình hướng đến xã hội phát triển. Để có xã hội phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động.
5.2. Để có con người chủ động, cần loại trừ tính thụ động ở người dưới (học trò/ con cái) và tính áp đặt ở người trên (thầy cô/ cha mẹ). Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’) và "trồng người"; giải thích rộng rãi mặt hạn chế của cụm từ "trồng người" và lý do vì sao trong suốt cuộc đời, Bác chỉ nhắc đến cụm từ này có một lần. Không nên tiếp tục sử dụng hình ảnh "cánh tay phải" khi nói về vai trò của Đoàn thanh niên; Trung ương Đoàn nên nghiên cứu thay huy hiệu Đoàn, không dùng hình ảnh cánh tay cầm cờ làm huy hiệu Đoàn.
Để có con người chủ động, bên cạnh việc tạo dựng một môi trường khuyến khích tính chủ động, điều quan trọng là người học phải tự tin. Để chủ động và tự tin trong giao tiếp thì người học phải rèn luyện tư duy phản biện và phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông các bạn học còn lại, thoát ra khỏi áp lực của họ. Để chủ động và tự tin trong hoạt động thì người học phải rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch.
5.3. Để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng; thay đổi quan niệm về cách biên soạn sách giáo khoa (để đáp ứng nhu cầu học thuộc lòng), cách ra đề thi kèm theo đáp án; chấm dứt cách học theo bài mẫu. Chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển. Giải quyết hợp lý mối quan hệ tinh tế giữa năng lực và phẩm chất, sử dụng cụm từ "tài đức" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm huyết và đã nghiên cứu kỹ để thay thế cho những cách diễn đạt cùng nghĩa nhưng khác thứ tự (như "có đức có tài", "vừa hồng vừa chuyên") là những biến thể của việc đề cao chữ Lễ.
Để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó trong người học, trong phụ huynh và trong nhà quản lý. Cần thay việc giáo dục hàng loạt bằng giáo dục cá nhân hóa theo quan niệm giáo dục phải "làm phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của các em" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần sớm thừa nhận và luật hóa mô hình giáo dục tại gia, hay gia thục (homeschooling) với tư cách là một giải pháp thay thế hợp pháp cho các trường công lập và tư thục.
5.4. Để có sự chuyển đổi lớn như vậy, có rất nhiều việc cần phải nghĩ, phải bàn, phải làm. Để có con người chủ động và sáng tạo, văn hóa học đường cần được hỗ trợ bởi văn hóa giáo dục chung của xã hội. Văn hóa của xã hội cần chuyển đổi từ một hệ giá trị thiên về âm tính sang hệ giá trị thiên về dương tính, từ một hệ giá trị mang đậm tính cộng đồng làng xã sang hệ giá trị đề cao bản lĩnh cá nhân và tính cộng đồng xã hội, coi trọng tính khoa học trong tư duy và làm việc có kế hoạch dài hạn, tránh sự tùy tiện, đối phó. Những việc này thực chất vượt ra khỏi phạm vi của văn hóa học đường, của ngành giáo dục; nhưng ngành giáo dục trong việc xây dựng văn hóa học đường không thể không nghĩ đến, không chuẩn bị.Và quan trọng hơn – ngành giáo dục có trách nhiệm phải đề xuất và kiên trì thúc đẩy việc thực thi.