Đề xuất được GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, nêu tại hội nghị quốc tế Nâng cao tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản: Khám phá giải pháp tìm đường trong mê cung để đến đích thành công, do Hội Phụ sản Việt Nam phối hợp với Merck tổ chức ngày 7-8/9, tại Hà Nội.
"Việt Nam đang đối mặt với thách thức mức sinh ngày càng thấp, trong khi tỷ lệ vô sinh lại ở mức cao do nhiều yếu tố như lối sống, tình trạng lập gia đình muộn, có con muộn", GS Tiến nói, dẫn chứng ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn một triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%, theo Bộ Y tế.
Trong đó, vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng dự báo vô sinh và hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, chỉ đứng sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. Thống kê của WHO cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.
GS Tiến nhìn nhận muốn duy trì được mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng phải sinh ít nhất 2 con. Nhưng hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có TPHCM, Hà Nội không đạt. Tình trạng vô sinh, hiếm muộn tác động trực tiếp tới mức sinh của mỗi địa phương, nhất là khu vực đô thị, và tổng thể dân số cả nước.
Hiện, trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam được đánh giá tương đương các nước trong khu vực, kỹ thuật phát triển rất nhanh. Nước ta hiện có hơn 50 trung tâm hỗ trợ sinh sản, có thể đáp ứng nhu cầu điều trị của người vô sinh, hiếm muộn. Thực hiện IVF ở Việt Nam đạt mức thành công cao, tới 60% số ca chu kỳ IVF có thai lâm sàng. Tuy nhiên, điều thách thức là giá dịch vụ còn cao so với thu nhập của hầu hết người dân.
"Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khao khát có con nhưng không thể thực hiện do vấn đề kinh phí", ông Tiến nói, khuyến nghị BHYT nên hỗ trợ, từng bước đáp ứng nguyện vọng điều trị vô sinh hiếm muộn của người dân, đồng thời góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.
Ông Tiến chỉ ra nghịch lý là bệnh nhân điều trị các bệnh như mổ bóc u xơ mà không có nhu cầu sinh con thì được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, nhưng nếu kèm theo điều trị vô sinh thì phải tự thanh toán toàn bộ chi phí. BHYT hiện không hỗ trợ bất cứ kỹ thuật nào trong quy trình điều trị hiếm muộn, trong khi nhiều nguyên nhân đến từ các bệnh lý: u buồng trứng, u xơ tử cung, polyp buồng trứng...
Trên thế giới, nhiều nước coi hiếm muộn là bệnh lý và dùng BHYT chi trả cho bệnh nhân. Ví dụ, Pháp cho IVF đến 4 lần, sang lần thứ 5 bệnh nhân mới phải trả tiền. Trung Quốc cũng đưa 16 dịch vụ hỗ trợ sinh sản vào hạng mục được BHYT chi trả từ năm 2022.
Theo ông Tiến, ở nước ngoài, mệnh giá đóng bảo hiểm cao nên các dịch vụ này được BHYT chi trả. Năng lực bảo hiểm của Việt Nam chưa thể bao phủ được một số dịch vụ, trong đó có IVF, với mệnh giá đóng bảo hiểm hiện tại.
"Trước mắt, BHYT nên chi trả cho cả bệnh nhân hiếm muộn nhưng có bệnh lý giống những người khác. Nếu bảo hiểm có khả năng thì cần quan tâm đến đối tượng này trong tương lai", ông nêu quan điểm.
Tại hội nghị, các chuyên gia cùng thảo luận các chủ đề như kích thích buồng trứng, cá thể hóa điều trị, vô sinh ở nam giới, bảo tồn khả năng sinh sản, cũng như những khía cạnh kinh tế xã hội ở lĩnh vực sinh sản và y tế trong hỗ trợ sinh sản. ông Alexandre De Muralt, Phó Chủ tịch Merck Châu Á Thái Bình Dương, cho biết đây này là cơ hội để cập nhật thông tin về hỗ trợ sinh sản trong khu vực châu Á, với mục tiêu chính là giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn rút ngắn thời gian thụ thai.
Vừa qua, đơn vị phối hợp cùng tổ chức Economist Impact đã ra mắt Bộ công cụ chính sách can thiệp thực tiễn mức sinh cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình dương. Bộ công cụ là một phần quan trọng trong dự án Fertility Counts- một sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế và xã hội liên quan đến mức sinh thấp trong khu vực.
Bộ công cụ giúp cho các nhà hoạch định chính sách tham khảo, xem xét, nghiên cứu, đánh giá tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Bốn nhóm chích sách được đề cập trong bộ công cụ này là: Chăm sóc trẻ em, chính sách tại nơi làm việc, ưu đãi tài chính và hỗ trợ sinh sản.
Lê Nga