Nội dung vừa được cơ quan trên gửi UBND TP HCM cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy xử lý chất thải rắn, thu hồi năng lượng trong Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc. Đây là dự án có tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng, triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).
Trong tổng vốn đề xuất, kinh phí bồi thường và giải phóng mặt bằng ở dự án ước tính hơn 441 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 322 tỷ đồng sẽ dùng xây tuyến đường dài 2,2 km nối vào nhà máy. Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chính quyền thành phố cho gộp hai hạng mục trên làm một thành phần trong dự án nhà máy xử chất thải rắn. Với tổng kinh phí hơn 763 tỷ đồng của hai hạng mục này, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 50%, nên phù hợp với Luật PPP.
Trước đó hồi tháng 3, các đơn vị liên quan thống nhất vị trí thực hiện dự án ở Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc. Tuy nhiên, nơi này chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng, không có đường kết nối với hạ tầng xung quanh. Do vậy, việc sớm triển khai đền bù, giải toả và đảm bảo giao thông kết nối sẽ giúp nhà đầu tư thuận tiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhà máy xử lý rác.
Dự án xây nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng được TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước ở huyện Củ Chi. Ngoài công trình này, ở địa bàn còn hai dự án xử lý rác bằng năng lượng sét nhân tạo và tái chế chất thải rắn, tổng vốn hơn 13.000 tỷ đồng, bị xem xét thu hồi do chậm triển khai.
Hiện, mỗi ngày có khoảng 10.000 tấn rác thải phát sinh trên địa bàn TP HCM, trong đó khoảng 69% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế...
Thành phố từng xác định đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%, yêu cầu các nhà máy chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Tuy nhiên, mục tiêu này đến nay chưa thực hiện được. TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%.
Hạ Giang