Theo đề xuất của nhà đầu tư với UBND tỉnh Khánh Hoà, cao tốc có 4 làn xe, rộng 17 m, bố trí làn khẩn cấp, tốc độ 80-100 km/h. Trong đó, 48 km trên tuyến thuộc tỉnh Khánh Hoà, còn lại đi qua Lâm Đồng.
Điểm đầu dự án nối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (huyện Diên Khánh, Khánh Hoà); điểm cuối nối cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Tổng diện tích đất chiếm dụng là hơn 1.000 ha; khoảng 116 hộ bị ảnh hưởng và 100 hộ cần tái định cư.
Dự án được đầu tư theo hình thức PPP - hợp đồng BOT, có sự hỗ trợ của nhà nước. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ gần 27.500 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện hơn 36.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2025-2028.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu các ngành liên quan tham mưu thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án, sau đó làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng để thống nhất các vấn đề liên quan.
Người đứng đầu tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung thêm các hướng tuyến để chọn phương án tối ưu, có thể sử dụng công nghệ đào hầm hạn chế ảnh hưởng rừng; nghiên cứu thêm các nút giao đảm bảo kết nối thuận lợi nhất; cung cấp quy hoạch về hồ thuỷ lợi, hiện trạng rừng, thuỷ điện.
Ông Tuân cho hay Khánh Hòa và Lâm Đồng sẽ đề xuất Thủ tướng tách dự án giải phóng mặt bằng riêng ra và ngân sách của hai tỉnh sẽ chịu phần này. Ngân sách nhà nước góp vào các liên danh để thực hiện đối tác công tư.
Cao tốc Nha Trang - Liên Khương được xem tuyến đường chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế ba tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ngoài ra đường giúp tránh nguy hiểm ở đèo Khánh Lê (quốc lộ 27C - tuyến đường nối Nha Trang đi Đà Lạt thường hay sạt lở.
Ngoài tuyến đường nói trên, hiện tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và đang thực hiện cao tốc Nha Trang - Vân Phong, Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk). Tập đoàn Sơn Hải là đơn vị thực hiện tuyến Nha Trang - Cam Lâm vượt tiến độ 3 tháng.
Bùi Toàn