Theo lý giải của UBND TP HCM trong văn bản gửi Bộ Y tế mới đây, 302 thuốc này không đáp ứng các tiêu chí để có thể đấu thầu tập trung cấp địa phương. Do đó, Bộ Y tế cần xây dựng danh mục áp dụng trên toàn quốc, tạo điều kiện để các địa phương, trong đó có TP HCM, mua sắm thuốc cho trạm y tế.
Hiện, danh mục thuốc tại trạm y tế chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh, chưa phù hợp với mong mỏi thực tế của người dân và bác sĩ điều trị. Khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện quận huyện, người dân có nhu cầu được tiếp tục theo dõi và điều trị tại các trạm y tế, song không có đủ thuốc đáp ứng theo chỉ định của bệnh viện. Điều này buộc họ phải quay lại khám và điều trị tại các bệnh viện.
Trong khi đó, theo khảo sát của Sở Y tế TP HCM, phần lớn người dân sẵn sàng đến với trạm y tế phường, xã thay vì đến bệnh viện, nếu các trạm y tế được cung ứng đầy đủ thuốc điều trị ngoại trú như bệnh viện. Các trạm y tế cũng cho biết khó "giữ chân" người bệnh vì không có đủ thuốc triển khai khám chữa bệnh ban đầu, nhất là các bệnh mạn tính không lây.
Ngoài ra, một bất cập khác hiện nay là người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện tuyến cuối của thành phố như Nhân dân Gia Định, Nguyễn Trãi... thì không được chi trả nếu đến trạm y tế phường để khám chữa bệnh.
Thời gian qua, ngành y tế triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, thí điểm chương trình đào tạo thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế để cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ mới tốt nghiệp... TP HCM cũng nhiều lần đề xuất bổ sung các loại thuốc vào danh mục thuốc bảo hiểm tại các trạm y tế.
Một năm nay ngành y tế triển khai Chương trình Gói can thiệp thiết yếu bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở (WHO-PEN), với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Theo đại diện trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú, chương trình giúp nhân viên y tế cơ sở cập nhật những kiến thức mới, cải thiện danh mục thuốc với hai loại bệnh phổ biến là đái tháo đường và tăng huyết áp, giúp số lượt khám chữa bệnh ban đầu tại trạm tăng.
Tại hội nghị sơ kết chương trình WHO-PEN mới đây, tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho ngành y tế và khuyến nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của y tế cơ sở, nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng chăm sóc và quản lý nhóm bệnh không lây, vốn là gánh nặng lớn nhất về bệnh tật và tử vong.
Lê Phương