![]() |
Ảnh: Medinet. |
Chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Theo điều 30 dự thảo Luật, khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu có tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng thì nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Sau đó, tổ chức, cá nhân được xác định có lỗi sẽ bồi hoàn cho Nhà nước.
Theo đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh), có nhiều cơ quan liên quan đến việc tiêm chủng, vì vậy nên quy định rõ cơ quan nào phải nào phải bồi thường (chẳng hạn nơi tiêm chủng) thay vì nói "nhà nước" chung chung.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên - Huế) cũng đồng tình với việc xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm: "Gần đây có nhiều sự cố đáng tiếc về văcxin, chẳng hạn như vụ văcxin viêm gan B, nhưng việc xử lý trách nhiệm rất chậm, đến nay vẫn chưa rõ cơ quan nào phải chịu trách nhiệm và chịu đến đâu".
Ông Toàn cho rằng đối với các trường hợp gây tai biến nghiêm trọng, việc những người có lỗi chỉ phải bồi hoàn là quá đơn giản, bởi nhiều khi số nạn nhân không phải chỉ một người. Theo ông, người có sai sót để xảy ra sự cố dù vô ý hay cố ý mà hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, ông đề nghị dự thảo Luật nên sửa thành: "Tổ chức, cá nhân gây ra tai biến tiêm chủng phải bị xử lý theo pháp luật".
Lo lắng về rác thải y tế
Nhiều đại biểu cho rằng cần lưu ý đến vấn đề quản lý rác thải trong các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm, nhất là rác y tế.
Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng trong mục vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm nên bổ sung vấn đề thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt và y tế, nhất là rác do các bệnh viện thải ra, bởi đây là nguồn quan trọng gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. "Các vi phạm về quản lý rác bệnh viện, bán rác thải độc hại thời gian vừa qua cho thấy sự cần thiết của việc này". Đại biểu Lê Minh Hồng ở Hà Nam cũng có ý kiến tương tự.
Cũng lưu tâm đến nguy cơ do rác thải y tế đem lại, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh) cho rằng điều 19 chưa đầy đủ khi chưa nhắc đến rác thải bệnh viện trong danh mục các địa điểm cần đảm bảo vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm. Theo ông, đây là yếu tố quan trọng cần bổ sung.
Mắc bệnh lây đặc biệt nguy hiểm được chữa miễn phí
Theo dự thảo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc các bệnh nhóm A - loại đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao - được điều trị miễn phí. Nhóm này bao gồm cúm A H5N1, bại liệt, sốt tây sông Nile, sốt xuất huyết do virus Ebola, Marburg, sốt vàng, tả, viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh nguy hiểm mới chưa rõ tác nhân.
Dự thảo Luật quy định, những người mắc bệnh nhóm A và B (loại lây truyền nhanh, có thể gây tử vong như dại, bạch hầu, chân tay miệng, liên cầu lợn ở người...) sau khi xuất viện cần đăng ký theo dõi sức khỏe ở y tế xã. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng quy định này chỉ nên áp dụng cho nhóm A, vì nhóm B bao gồm cả nhiều bệnh thường gặp như cúm, rubella, tiêu chảy cấp... Nếu phải đăng ký theo dõi sức khỏe sau khi ra viện vì sẽ không mấy khả thi.
H.H.