Người gửi: Nguyen Thi Phuong
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Hãy hiểu, thông cảm, yêu thương và chia sẻ với phụ nữ
Tôi đồng ý với ý kiến chị Lan về những người phụ nữ bị coi là mắc "bệnh thành đạt". Đáng lẽ ra chồng, con, người thân trong gia đình nên dành tình cảm thương yêu, hiểu, thông cảm và biết chia sẻ nặng nhọc, buồn vui, khó khăn với phụ nữ, nhất là phụ nữ thành đạt. Còn đồng nghiệp, cơ quan, đặc biệt là tổ nữ công, công đoàn nên thăm hỏi, động viên, chia sẻ và tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ lẫn nhau khi đồng nghiệp "gặp sự cố" về đời sống tinh thần (kể cả vật chất).
Phụ nữ thế kỷ 21 phải phấn đấu rất nhiều, học tập và rèn luyện rất nhiều, vượt qua rất nhiều trở ngại để cân bằng được gia đình, sự nghiệp và bản thân trong một xã hội chưa thực sự bình đẳng giới. Họ gặp khó khăn và bị cản trở trong quan niệm, hành động cuả nam giới và ngay của cả nữ giới.
Tôi lấy ví dụ cụ thể: Khi tranh luận với ban giám đốc toàn là nam, có thể người phụ nữ sẽ gặp trường hợp ban giám đốc không chịu nghe ý tưởng, ý kiến cuả mình (bởi những ý nghĩ như "nữ nhi thường tình", "thiểu số thắng sao được đa số", "cô tưởng cô giỏi ư", "đàn bà chỉ hỏng việc"...). Và cô ấy dù có ý kiến hay độc đáo đi chăng nữa cũng có lúc không nén nổi kiên nhẫn mà "giận dỗi" xin thôi việc.
Hoặc có thể cô ấy giỏi thực sự nên bị giới nữ ganh ghét hoặc giới nam không muốn bị "vượt mặt". Tôi cũng kể ra đây một ví dụ về sự khó khăn mà phụ nữ gặp phải khi làm lãnh đạo, đó là họ ôm đồm quá nhiều việc. Có thể họ chưa biết cách làm việc nhóm, chưa có kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo, có thể họ chưa được đào tạo, bồi dưỡng hay tìm hiểu về công tác lãnh đạo đã bị "lôi" lên làm sếp cho "có nếp có tẻ". Nhưng cũng có thể họ bị chống đối ("còn trẻ thế mà dám giao việc cho các 'bô lão' ư?", "mình thế này mà bị cô ta lãnh đạo ư"...).
Họ ôm đồm có khi do cấp dưới không đủ đáp ứng yêu cầu công việc (nhân viên kiểu "con ông cháu cha" trong khi cô ấy không được can thiệp về nhân sự). Rõ ràng giải pháp trước mắt là tự mình làm đã (còn hơn làm dối, làm sai, hoặc không làm, hoặc bày cách cho nhân viên mình làm mất nhiều thời gian hơn tự mình làm), rồi sau đó giải quyết những vấn đề tiếp theo.
Hay một ví dụ khác, sau một ngày căng thẳng và mệt mỏi ở cơ quan, những tưởng về nhà lấy lại thăng bằng nhờ tình thương yêu của chồng con, nhờ sự quan tâm chia sẻ cuả người nhà, ai ngờ việc nhà ngổn ngang, con nhếch nhác, chồng say rượu..., hỏi làm sao mà không cáu gắt, không quát tháo. Ngay cả trường hợp cô ấy đảm đang khéo léo sắp xếp rất khoa học "ai làm việc đó" rồi nhưng có thể các thành viên không nghe, quên nhiệm vụ ("ai ra lệnh được tôi", "việc đó là của đàn bà"...).
Thế đấy, rất rất nhiều khó khăn, trở ngại cho phụ nữ nếu muốn hài hoà gia đình, sự nghiệp và bản thân, bởi tự bản thân họ cố gắng không thôi thì chưa đủ.