Sáng 6/6, gần 98.700 thí sinh hoàn thành bài thi Ngữ văn, sau 120 phút.
Chủ đề xuyên suốt của đề thi là "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình". Trong đó, phần Đọc hiểu (3 điểm) hỏi về chương trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" của Trung ương Đoàn.
Câu số 2 (nghị luận xã hội - 3 điểm) đưa ra nhận định: Biết nghĩ bằng con tim, thí sinh nêu quan điểm qua bài văn khoảng 500 chữ.
Phần Nghị luận văn học (4 điểm), có 2 đề lựa chọn. Ở đề 1, thí sinh nêu cảm nhận về tình cảm của bé Thu dành cho bố trong tác phẩm "Chiếc lược ngà", liên hệ để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình. Ở đề 2, thí sinh phân tích một tác phẩm bất kỳ về chủ đề "Những nhịp tim dành riêng cho thơ".
Đề thi - Gợi ý đáp án môn Văn thi lớp 10
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, nhận xét đề hay, giàu ý nghĩa với học sinh, có sự phân bố hài hòa. Sự phân hóa của đề cũng được thể hiện hợp lý qua các cấp độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
"Đề vừa bám sát chương trình lớp 9, vừa mở ra được những liên hệ thú vị. Cách hỏi câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học tạo cơ hội để học sinh thể hiện năng lực, khả năng sáng tạo", thầy Minh nói.
Phân tích kỹ hơn, ở phần Đọc hiểu, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Du, quận 1, nhận xét ngữ liệu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ. Các câu hỏi khá đơn giản, thí sinh học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt.
"Phần Đọc hiểu liên quan đến hình ảnh người lính biển đảo và ý thức bảo vệ biển đảo quê hương, một vấn đề thật hay và thật sự ý nghĩa. Phần này có thể gợi hứng thú cho học sinh", thầy Nguyễn Trung Hiếu, giáo viên văn trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân, nhận xét.
Nghị luận xã hội được các giáo viên nhận định là phần phân hóa thí sinh rõ nhất. Thầy Hiếu dự đoán phần lớn gặp khó vì vấn đề "nghĩ bằng con tim" liên quan đến cảm xúc, chi phối cách nghĩ, cách sống của con người. Học sinh phải có sự kết nối giữa bản thân và thực tế xã hội mới có thể viết tốt.
Trong khi đó, thầy Bảo cho rằng học sinh sẽ có nhiều ý tưởng để viết, nhưng để đạt được điểm cao (2,5/3 trở lên) thì không dễ. Trước tiên, các em cần lý giải "nghĩ bằng con tim" là như thế nào, từ đó tìm ra những luận điểm phù hợp. Thí sinh có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải sâu sắc mới được đánh giá cao.
Theo giáo viên trường THCS Nguyễn Du, hai câu trong phần Nghị luận văn học không gây bất ngờ vì đây là chủ đề được ôn tập kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trước đó, một số em đã loại tác phẩm Chiếc lược ngà và chủ đề tình cảm gia đình vì đề năm ngoái từng đề cập. Đây là sai lầm đáng tiếc.
Câu 1 yêu cầu "phân tích tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha" là một đề vừa sức, đưa ra các yêu cầu phụ rõ ràng. Những em yếu kỹ năng có thể gặp khó vì đây là dạng đề cho phân tích tâm lý, tình cảm của nhân vật. Người viết phải lý giải từng hành động, cử chỉ, lời nói thông qua phân tích tâm lý để làm rõ tình cảm của nhân vật. Có em vì không ôn tập kỹ, không thường xuyên rèn luyện sẽ sa đà vào việc kể chuyện.
Câu 2 là một đề mở và sáng tạo. Học sinh có thể chọn một tác phẩm thơ bất kỳ để phân tích. Trong trường hợp không thuộc thơ, học sinh có thể phân tích đoạn trích bài "Đồng chí" được gợi ý trong đề. Nhưng đề thi là một tình huống cụ thể, bài viết của các em không chỉ phải phân tích đoạn thơ, bài thơ mà còn phải hướng vào việc giải quyết tình huống đó.
Với đề thi năm nay, thầy Bảo và Hiếu cùng dự đoán đa số thí sinh có thể đạt 5-6 điểm và sẽ có nhiều điểm 7-8.
"Tôi đoán phổ điểm trung bình sẽ tập trung ở khoảng 6,5-7,5", thầy Bảo nói.
Chiều nay, thí sinh tiếp tục dự thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 90 phút. Ngày 7/6, thí sinh làm bài thi môn Toán với 120 phút. Những em có nguyện vọng vào các lớp chuyên sẽ thi thêm môn tương ứng, trong 150 phút.
Điểm thi lớp 10 ở TP HCM dự kiến được công bố vào ngày 20/6.
Năm ngoái, TP HCM có khoảng 96.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập. Môn Văn có hơn 12% bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, điểm cao nhất là 9,25.
Lệ Nguyễn - Kỷ Hương