Đề Văn tốt nghiệp THPT 2022 gồm hai phần là Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm), cấu trúc quen thuộc bám sát đề tham khảo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hồi cuối tháng 3. TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI, nhận xét phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo.
"Trước hết bởi ngữ liệu là một đoạn thơ chưa thật sự đặc sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật khi nói về tuổi trẻ và sự hy sinh của tuổi trẻ với đất nước. Sau đó là các câu hỏi của phần vận dụng, vận dụng cao chưa thực sự đặt ra những vấn đề có khả năng khơi gợi những hướng tư duy sâu sắc, mới mẻ cho thí sinh", cô Tuyết nói.
Phần Làm văn vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm viết đoạn văn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học. Theo cô Tuyết, ở câu nghị luận xã hội, câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu để thí sinh có thể viết một đoạn văn khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần Đọc hiểu.
Yêu cầu "trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước" có thể đưa đến những cách suy nghĩ xúc động, chân thành nhưng không ngoại trừ những bài viết chung chung, sáo rỗng. Hơn nữa, nếu thí sinh không đọc kỹ, các em có thể sẽ nhầm lẫn sang việc trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước.
Câu lệnh cũng có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh xung quanh cách hiểu về việc "tiếp bước thế hệ đi trước" - bao hàm cả tiếp nhận những giá trị của thế hệ trước và phản biện với những bất cập, lạc hậu để có thể phát triển.
Câu nghị luận văn học sử dụng cấu trúc quen thuộc. Sau đoạn trích của truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" là một câu lệnh có hai vế tương ứng với hai yêu cầu: "phân tích đoạn trích trong truyện ngắn" và "liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống".
Theo cô Tuyết, yêu cầu đầu tiên vừa sức. Yêu cầu thứ hai đề cập đến một trong những giá trị của tình huống nhận thức cũng là đơn vị kiến thức quen thuộc với thí sinh, và có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc, độc đáo hơn về "mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống".
Câu nghị luận văn học tuy đề cập những đơn vị kiến thức cơ bản và quen thuộc nhưng khi đặt ra sự liên hệ với hình ảnh con thuyền trong hai thời điểm, trong hai cự ly, tạo ra một góc nhìn tương đối mới mẻ, có khả năng khơi gợi hứng thú và những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh.
Nói chung, theo cô Tuyết, đề thi năm nay đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. "Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo", TS Tuyết cho hay.
Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên môn Ngữ Văn tại Tuyensinh247, cũng cho rằng đề Văn vừa sức, chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh có thể đạt được 5-6 điểm, những em khá có thể được khoảng 7. Đây cũng là tự đánh giá của nhiều thí sinh sau khi thi xong.
Nguyễn Minh Trâm, điểm thi THPT Trưng Vương, TP HCM, cho rằng đề Ngữ văn ở mức độ trung bình, câu đọc hiểu không đánh đố với em. Câu nghị luận văn học với tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" không phức tạp, nhưng khó đạt điểm cao. "Cách ra đề này đòi hỏi thí sinh phải hiểu vấn đề mới làm được bài", Trâm nói, dự tính được 6,5-7 điểm.
Tại điểm thi ở trường THPT Hai Bà Trưng, Thừa Thiên Huế, thí sinh Trúc Quỳnh, cho rằng đề Văn khó nhất ở phần nghị luận xã hội vì "đề tài khá rộng".
Theo cô Thu Phương, để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, thí sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước là gì, phân tích được những những biểu hiện và ý nghĩa của những trách nhiệm đó, lấy những dẫn chứng đời sống để minh họa, biết phê phán những biểu hiện trái ngược và những cách hiểu chưa chính xác về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.
Cuối cùng, thí sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Các em cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản, chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.
Cô Thu Phương cho rằng đề câu nghị luận văn học đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích văn bản văn xuôi; mà còn phải thực sự hiểu về nội dung tư tưởng của tác phẩm nói chung và đoạn trích nói riêng.
Học sinh cần tập trung làm nổi bật "cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh" - hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa qua phát hiện đầu tiên - phát hiện ngoài bãi biển của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng; cảm nhận được những cảm xúc thăng hoa của người nghệ sĩ trước cái đẹp toàn bích - hiện thân của nghệ thuật.
Đặc biệt, thí sinh phải biết liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió - chi tiết nghệ thuật đắt giá trong tác phẩm, là hiện thân của cuộc đời, từ đó nhận ra thông điệp mà tác giả muốn truyền tải về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Nhận xét tổng thể, cô Phương nói "Đề Văn hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Học sinh nắm chắc kiến thức và thuần thục các kỹ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi".
Năm 2022, cả nước có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó gần 860.000 em thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học. Kết thúc môn tự luận duy nhất – Ngữ văn, chiều nay thí sinh thi Toán từ 14h30. Đề thi được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm khách quan, các em làm bài trong 90 phút.
Nhóm phóng viên