Đó chính là chia sẻ rất thú vị của giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền trong buổi nói chuyện “Đi tìm hạnh phúc gia đình” vừa diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM cuối tuần qua.
Giáo sư khuyên muốn hạnh phúc, chúng ta cần phải luôn luôn đổi mới, làm mới bản thân và làm mới cuộc sống của gia đình mình. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là làm mất cái cũ, mà sự đổi mới này phải được phát triển từ những nền tảng có sẵn. Cũng giống như một người vợ học cách nấu nhiều món ăn mới để về nhà chiêu đãi chồng con, chứ không phải muốn ăn ngon hơn thì xóa sổ hẳn cái bếp và đưa cả nhà đi ra nhà hàng.
Bạn đừng nghĩ “trói” được người yêu của mình bằng một đám cưới là bạn cứ ung dung ngồi hưởng hạnh phúc đến suốt đời. Bởi vì hạnh phúc là một giá trị có thật và nó có thể thay đổi và mất đi theo thái độ của mỗi chúng ta. Muốn có hạnh phúc chúng ta cũng phải biết cách giữ lấy nó.
Bên cạnh việc luôn luôn đổi mới mình, giáo sư cũng chia sẻ vài bí quyết đơn giản giúp ta có thể tìm thấy và gìn giữ hạnh phúc trong chính ngôi nhà mình.
Biết cân bằng giữa hạnh phúc riêng và hạnh phúc chung, giữa hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc của cả gia đình, với vợ chồng, với con cái, với bố mẹ... Nếu chỉ chăm lo đến hạnh phúc chung thì cái tôi bị triệt tiêu. Nhưng nếu mỗi người chỉ chăm chăm vào cái hạnh phúc riêng của mình thì sự liên kết gắn bó trong gia đình sẽ trở nên lỏng lẻo. Khi cái tôi lớn lên thì hạnh phúc riêng được đề cao. Theo xu thế xã hội, càng ngày cái tôi càng được chú ý hơn. Điều quan trọng là cần biết cân bằng giữa cái chung và cái riêng. Hạnh phúc chung thường dài hơn và lâu bền hơn hạnh phúc riêng. Một người nếu chỉ lo đến hạnh phúc riêng của mình sẽ thường xuyên phải thay đổi bản thân để đạt được hạnh phúc. Thay đổi là tốt nhưng trong một cuộc đời mà chúng ta phải thay đổi quá nhiều lần thì đó lại là bất hạnh. Ta muốn mình được hạnh phúc thì ta cũng nên để ý đến hạnh phúc của người khác nữa, như thế hạnh phúc của chúng ta mới được bền vững lâu dài.
Giáo sư nhớ lại, thời trước, trên các phông trang trí đám cưới, người ta thường cắt hình một trái tim ở giữa được nâng lên bởi hai con chim bồ câu hoặc hai em bé. Nhưng giờ đây hình ảnh đó đã được thay bằng hai trái tim lồng vào nhau. Sự thay đổi trong mối quan hệ vợ chồng được thể hiện ngay ở các phông trang trí đám cưới. Bây giờ, khi mà ngoài xã hội tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng thì trong gia đình, vợ chồng cũng không còn quá hy sinh vì người kia nữa, trái tim của người này không còn là của người kia nữa, mà chỉ là khi vui thì lồng vào nhau, lúc giận lúc chán thì mỗi người tự mang trái tim của mình đi xa. Vì thế, ông khuyên, nếu muốn có hạnh phúc lâu bền, các bạn trẻ hãy cố gắng tìm cho mình một người “hoài cổ” - một người vẫn luôn coi trọng những giá trị gia đình truyền thống.
Cũng như ngày trước các cặp vợ chồng Việt Nam hạnh phúc vẫn thường gọi nhau chung một ngôi xưng: “mình”, "mình" là bản thân mình mà mình cũng là người kia. Hai vợ chồng chỉ có một chữ "mình", đó là khi cái chúng ta đã được đề cao. Nhưng bây giờ người ta thích gọi nhau bằng "nhà tôi" hơn. Nếu “mình” là trói buộc “chung thân” thì nhà tôi là một sự chung không gian. Gia đình hạnh phúc khi hai vợ chồng luôn ngồi sát bên nhau, bất hạnh khi mỗi người ngồi một góc. Cùng một không gian đấy, nếu hai người ngồi bên nhau, ta sẽ có cảm giác ngôi nhà thật rộng. Nhưng nếu mỗi người một góc, đặc biệt những lúc bực nhau, không muốn nhìn mặt thì ngôi nhà bỗng trở nên quá chật hẹp.
"Mình", "nhà tôi", "ông xã bà xã"… đều là những cách gọi chồng, gọi vợ rất hay. Vợ chồng hạnh phúc khi chúng ta biết dùng những ngôn ngữ chân thành, tình cảm để nói với nhau. Nhiều cặp đôi yêu nhau thì anh – em, lấy nhau xong thì cô – tôi, cãi nhau thì mày – tao… Khi ngôn ngữ nói với người bạn đời nghe nặng nề thì cũng là lúc chúng ta đã tự bỏ đi hạnh phúc của mình.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên dùng những lời lẽ lý trí quá để nói chuyện với người bạn đời. Tiếc rằng, giới trẻ ngày nay có xu hướng dùng nhiều lý trí để nói chuyện trong gia đình. Nếu là tình cảm thì dễ chín bỏ làm mười, nhưng đã là lý trí thì một cộng một phải bằng hai.
Muốn gia đình hạnh phúc, chúng ta phải biết chịu đựng, biết tha lỗi cho nhau và biết ăn năn. Con người không ai là hoàn hảo. Càng sống lâu với người bạn đời, ta càng phát hiện ra nhiều thói xấu của người đó. Thậm chí, có những việc rất đơn giản mà ta nhắc nhiều lần người đó vẫn không sao thay đổi được như để tóc rụng trong nhà vệ sinh, giày dép không bao giờ xếp gọn từng đôi ở giá giày… Với những lỗi không “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới” như thế này, nhiều lúc ta cần phải cho qua, chấp nhận "sống chung với lũ”. Nếu vợ chồng cứ cằn nhằn nhau, gia đình sẽ rơi vào tình trạng cãi vã triền miên.
Chúng ta được tha lỗi và chúng ta cũng phải biết ăn năn. Con người ai cũng mắc sai lầm, quan trọng là biết hối lỗi. Ăn năn thì tốt nhưng vợ chồng đừng bao giờ ăn thua nhau. Gân cổ lên cãi nhau để giành phần thắng về mình cuối cùng chỉ dẫn đến bất hạnh. Người thắng thì hả hê, người thua thì buồn bực. Vợ chồng hạnh phúc thì đừng bao giờ đối xử với nhau như đuổi chó chạy đường cùng, cần phải để lối thoát cho chính mình và người bạn đời.
Biết kiểm soát tâm lý của mình, làm chủ bản thân mình trước người khác cũng là cách giúp ta hạnh phúc. Khi ta hành động chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình, ta dễ rơi vào bất hạnh. Cũng giống như ghen là gia vị cho tình yêu thêm phong phú. Việc ghen giữ chồng là cái ghen có hàm lượng vừa phải, thể hiện sự khôn khéo của người vợ. Nhưng có những người làm quá lên, ghen vì mình, đánh ghen để thỏa mãn cái tôi của mình, đó là cái ghen ích kỷ và có thể dẫn đến hậu quả tan nát gia đình, thậm chí rơi vào vòng tù tội.
Trước tình huống một người vợ phát hiện chồng ngoại tình khi nửa đêm thấy chồng vẫn nhắn tin với bồ, giáo sư phân tích: Nếu không nói gì thì người vợ đó thật dại. Nhưng nếu giằng lấy điện thoại, đọc xong tin nhắn rồi đập tan điện thoại thì người vợ đó cũng chẳng thông minh hơn. Và ông gợi ý, lần thứ nhất, người vợ có thể nói: "Anh cứ nhắn tin nửa đêm làm em không ngủ được". Lần thứ hai, nếu chồng vẫn nhắn tin, người vợ sẽ chuyển sang câu: “Anh phức tạp quá, em bắt đầu khó chịu rồi đấy”. Lần thứ ba, sẽ là câu răn đe: “Anh ơi, con người cũng chỉ có giới hạn thôi”, và thứ 4 cũng là lần ra tối hậu thư: “Cho anh chọn, giờ anh ra ngoài, hay là xuống cuối giường nằm”.
Muốn hạnh phúc lâu dài là phải biết phấn đấu cho từng hạnh phúc nhỏ. Trong cả một hạnh phúc lâu dài, đôi khi vẫn có những khoảnh khắc ta cảm thấy bất hạnh. Và bạn cũng đừng nên buồn nếu rơi vào bất hạnh, hãy biết vượt lên để tìm những giá trị hạnh phúc cao hơn.
Kim Anh