Câu chuyện "Ăn hết hay để thừa lại chút đồ trên đĩa là lịch sự?" đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên VnExpress.
Không ít độc giả lựa chọn việc để lại chút đồ ăn trên đĩa để cho dễ coi và giữ hình ảnh với người đối diện:
Để chủ nhà nghĩ mình "chết đói" thì sẽ lãng phí hơn rất nhiều, nên tôi chọn để lại một chút thức ăn khi sang thăm bạn bên Trung Quốc.
Còn tôi thì cho rằng đi ăn với bạn bè hoặc người thân thì ăn sạch càng tốt. Còn đi ăn tiệc hoặc bữa hẹn hò đầu thì nên để một chút trong đĩa gọi là. Không quá nhiều để gọi là lãng phí nhưng nhìn cái đĩa sạch bong thế thì cảm giác tới đó chỉ để ăn thôi vậy. Còn việc được chủ nhà mời đến ăn mà ăn sạch thì chủ nhà càng vui. Tùy vào trường hợp chứ cứ nói khẩu hiệu lãng phí vào làm gì.
Bạn có chắc món bạn làm ngon không? Nếu là tôi, ai ép tôi phải ăn hết thứ tôi không thích, tôi sẽ không bao giờ ghé nữa.
Hồi trước, có lần bạn gái ở quê vô Sài Gòn chơi. Mình dẫn bạn đi ăn ở một quán phở rất ngon. Nước phở ngon đến nỗi chỉ muốn húp cho sướng miệng thôi. Nhưng để cho dễ coi, mình cũng để chừa lại gần nửa tô nước. Khi quay sang bạn gái thì thấy tô của cô đã "cạn tàu ráo máng". Mình vội chia sẻ nước bên tô của mình qua để cho dễ coi.
Tuy nhiên, nhiều người lại không đồng tình với suy nghĩ trên khi cho rằng việc để thừa thức ăn không còn phù hợp với xã hội hiện đại và làm cản trở sự phát triển, văn minh của con người:
Tôi không đồng ý với kiểu ăn để thừa lại, trừ khi bạn quá no hay món đó không ngon. Trước kia, tôi nghĩ để lại chút thức ăn là lịch sự nhưng bây giờ không nghĩ thế. Ở thế giới rộng mở thì người nước nào cũng sẽ thay đổi theo tiêu chuẩn chung nếu đó là tốt đẹp, văn minh. Nếu đến Philippines, Hàn Quốc... tôi vẫn sẽ ăn hết sạch trong đĩa và nói lời cảm ơn, khen ngợi món ăn của gia chủ chứ không khách sáo, màu mè. Tôi tin là chủ nhà vẫn rất hài lòng.
Phong tục sẽ thành hủ tục nếu không phù hợp, cản trở sự phát triển. Tôi tin người dân các nước kia cũng rất văn minh, cầu tiến. Chúng ta không dám thay đổi, tự giam hãm mình trong hủ tục trong khi người các nước khác đã thông thoáng hơn rất nhiều thì thật trì trệ.
Trước đây, khi đồ ăn còn thiếu thốn, việc để thừa thức ăn là lịch sự, nhưng là lịch sự "dởm". Còn bây giờ, khi chúng ta đã sống trong thời đại mà không sợ thiếu đồ ăn nữa thì nên ăn hết. Nhưng nhớ là chỉ lấy đủ đồ ăn, không lấy thừa. Việc ăn hết đồ ăn trên đĩa cũng khiến cho việc thu dọn và vệ sinh đồ dùng thuận lợi, tiết kiệm thời gian hơn.
Ăn hết là thể hiện ý nói món ăn hoàn hảo, và cho dù thiếu một chút thì vẫn thích hơn. Ăn thừa lại trên chén đĩa thể hiện món ăn chưa vừa ý hoặc vừa ý nhưng quá nhiều so với người ăn. Tóm lại, ăn sạch là phép lịch sự và tôn trọng đầu bếp và bồi bàn, ăn thừa lại là không tôn trọng ai cả.
Ăn hết được xem là sự tôn trọng tới thức ăn và tôn trọng những người lao động làm ra những thức ăn đó: "Ai ơi bưng bát cơm đầy. Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?".
Thời nào rồi mà nghĩ người ta đói? Mời nhau ăn chung đã khó vì ai cũng lo công việc của mình. Lịch sự là ăn hết những gì có trong đĩa. Đó là lời khen cho tay nghề nấu ăn của chủ nhà.
Nên cố gắng ăn hết để thể hiện sự tôn trọng với ai đó đãi mình. Còn nếu ăn không hết có thể kêu con hay bà xã phụ giúp. Còn nếu không còn cách nào nữa thì nên xin lỗi: "Đồ ăn rất ngon nhưng tôi có ăn trước khi đến đây cho nên không thể ăn hết được"...
>> Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.