Đề thi Vật lý
Đáp án môn Vật lý
Chiều 2/7, tại hội đồng thi Đại học Sư phạm Hà Nội, phần đông thí sinh cho biết đề Vật lý năm nay khá dài nên phải làm hết thời gian 90 phút. “Đề gồm 50 câu, trong đó có câu rất dễ và cũng có câu rất khó. Học sinh trung bình có thể dễ dàng đạt 5 điểm. Tuy nhiên, để lấy được điểm tuyệt đối, thí sinh phải có kiến thức chuyên sâu và thao tác tính toán nhanh”, Nguyễn Văn Anh (Vĩnh Phúc) nhận xét.
Quỳnh Vân và Hoàng Minh (đều đến từ Vĩnh Phúc) cũng nhận định, đề Vật lý năm nay có tính phân loại học sinh cao. Phần lý thuyết khá dễ, giúp thí sinh gỡ điểm. Các câu hỏi về bài tập phần điện lại rất "khó nhằn". Cấu trúc của đề ra theo hướng từ dễ đến khó khiến thí sĩ không bị căng thẳng. “Đề dài, em làm được 45 câu, số còn lại là khoanh bừa. Một số câu khá lạ, em bỏ qua”, Hoàng Minh nói.
Kết thúc môn Vật lý, nhiều thí sinh tại điểm thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Cầu Giấy) bước ra với vẻ mặt mệt mỏi vì nắng gắt buổi chiểu. "Đề này câu dễ thì dễ hẳn nhưng câu khó thì phải tính toán rất mất thời gian. Đề phân bố theo độ dốc, càng về sau càng khó, nhất là kiến thức về điện xoay chiều. Phần đầu chủ yếu là kiến thức cơ bản, còn phần sau mang tính phân loại học sinh", em Trần Hải Ninh (quê Hải Hậu, Nam Định) đánh giá. Ninh là học sinh khối A, sức học khá nhưng chỉ làm được khoảng 60% đề thi này.
Tại Đà Nẵng, em Nguyễn Thị Tiến ở địa điểm thi Đại học Sư phạm, nhận xét đề năm nay hơn 50% là phù hợp với thí sinh có lực học trung bình trở lên. Riêng phần phân loại hơi khó, kiến thức tập trung vào phần điện, hạt nhân. "Để làm được những câu nâng cao thì cần có kiến thức tổng hợp, cũng như từng làm những dạng bài nâng cao trong quá trình ôn luyện", Tiến nói.
"Em làm được chắc chắn 5 điểm, còn khoảng 20 câu phải đánh bừa", thí sinh học trường Lê Hồng Phong (Quảng Nam) nói và cho biết quá trình ôn luyện giáo viên đã cho làm hết các dạng bài, còn làm được bài hay không là phụ thuộc vào sự chăm chỉ và thông minh của từng người.
Trong khi đó, thí sinh tên Lành đánh giá đề dễ hơn những năm trước, trải đều những kiến thức về phần sóng, hạt nhân ít. "Theo em đề có 15 câu khó, 35 câu dễ. Thi tốt nghiệp thì dễ đủ điểm đậu, chứ đại học thì khó", Lành nói và cho biết không có bạn nào trong phòng ra sớm mà mọi người đều tập trung làm bài.
Tại TP HCM, ở điểm thi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, phần đông thí sinh cho rằng đề vừa sức. "So với đề thi thầy cô ở trường em cho ôn tập thì đề thi này dễ hơn. Em làm được 80%", Trương Đức Duy Phúc nói.
Ở điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều thí sinh nhận định so với đề thi tốt nghiệp năm trước và đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục đã công bố, đề chiều nay dễ hơn rất nhiều. "Em làm được 90%, chỉ còn vài câu không chắc là đúng hay sai", Nguyễn Thiện Giảng, học sinh trường THPT Gia Định nói.
Thí sinh Nguyễn Khả Vy thi tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng đề thi dễ hơn em dự đoán. "Đề có 22 câu lý thuyết và 28 câu bài tập. Cũng có một vài câu nằm trong chương trình lớp 10, 11 nhưng trọng tâm vẫn nằm trong lớp 12. Em thấy kỳ thi đã rất thành công với mình", Vy nói sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng của em.
Thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đề thi có 40% câu hỏi lý thuyết, 60% là bài tính toán. Phần dao động có 10 câu, phần sóng cơ 7 câu, phần dòng điện xoay chiều 12 câu, dao động và sóng điện từ 4 câu, sóng ánh sáng 6 câu, lượng tử ánh sáng 5 câu và phần hạt nhân có 6 câu. 60% câu hỏi và bài toán rất dễ, chỉ cần áp dụng một phương trình vật lý và chỉ cần qua một vài phép biến đổi toán học đơn giản có thể tìm ra đáp số. Học sinh trung bình có thể dễ dàng được 5-6 điểm. Trong khi 60% câu hỏi ở mức độ cực kỳ cơ bản thì 40% các câu hỏi còn lại đòi hỏi tư duy khác hẳn. Học sinh phải sử dụng ít nhất 2 phương trình vật lý và các phép biến đổi toán học phức tạp để tìm ra đáp số. "Có khoảng 10% câu hỏi là thách thức thực sự, có câu học sinh sẽ khó khăn ngay từ đầu vì không biết áp dụng quy luật vật lý nào cho hiện tượng đang được đề cập", thầy Đạt nói. Câu hỏi khó xuất hiện ở tất cả các chương của chương trình lớp 12 và tập trung nhiều vào chương dòng diện xoay chiều. Với 40% câu hỏi thuộc phần nâng cao này học sinh khó lấy được điểm 9-10. Đề thi cũng có 4 câu đòi hỏi phải đọc được các đồ thị. Theo thầy Đạt, điều này là cần thiết vì đặc trưng của Vật lý là môn khoa học thực nghiệm, cho dù đó là ‘thực nghiệm trên giấy”. "So với đề minh họa thì các câu cơ bản dễ hơn, các câu nâng cao có độ khó tương đương. Phần chuyển tiếp từ cực dễ đến khó chỉ có vài câu. Đề như vậy là hợp lý cho cả hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học", thầy Đạt nhận định. |
Nhóm phóng viên