Khoảng 96.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập ở TP HCM hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, sáng 6/6.
Đề thi gồm ba phần Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Chủ đề xuyên suốt của đề thi là "Để những nghĩ suy cất lên thành lời...", yêu cầu thí sinh đọc hiểu và thể hiện suy nghĩ của mình về chủ đề này.
Nhiều giáo viên đánh giá cao về sự sáng tạo, cho rằng đề thi nhiều "đất" để học sinh thể hiện năng lực, sức viết của mình.
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THPT Lương Văn Chánh, Phú Yên, đánh giá những văn bản được chọn làm ngữ liệu cho đề rất sâu sắc. Cách hỏi của câu Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học không gò ép học sinh vào nhận định mà chỉ đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn, từ đó học sinh có thể tự do thể hiện quan điểm, trình bày suy nghĩ riêng của mình.
"Đây là cách ra đề sáng tạo, có độ mở cao. Tôi thích cách ra đề này", thầy Minh nhận xét.
Cô Hà Thị Thu Thủy, giáo viên trường THCS Hà Huy Tập, TP HCM, đánh giá chủ đề "Để những suy nghĩ cất lên thành lời..." gần gũi và phù hợp với tâm tư của học sinh. Với đề thi này, cô hy vọng đáp án sẽ rộng mở, chấp nhận những suy nghĩ khác biệt của thí sinh.
Phân tích cụ thể hơn, thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du, TP HCM, cho biết ngữ liệu phần Đọc hiểu là một bức thư do người ra đề tự viết, đóng vai cô giáo, có trích dẫn các tác phẩm liên quan đến chủ đề. Đây là một hình thức mới khi chọn ngữ liệu cho đề thi.
Câu Nghị luận xã hội, đề dẫn dắt bằng một ý thơ, rồi yêu cầu thí sinh viết với một nhan đề cho sẵn cũng là điểm mới so với những năm trước, theo thầy Bảo. Câu này có tính phân loại cao, những học sinh có kỹ năng tốt sẽ biết cách trình bày hợp lý, liên kết ý thơ và nhan đề được gợi ý để rút ra vấn đề cần nghị luận. Những em không có kỹ năng làm bài sẽ dễ lạc đề, sa đà vào bàn nội dung đoạn thơ hoặc nhan đề có sẵn mà không có sự liên kết.
Phần Nghị luận văn học (câu 3), thí sinh được chọn một trong hai đề để làm bài. Chủ đề tình yêu nước và tình cảm gia đình, đều là chủ đề quen thuộc, được các giáo viên ôn tập kỹ. Đề một yêu cầu thí sinh phân tích tác phẩm thơ. Còn ở đề hai, các em được tự do lựa chọn tác phẩm, không giới hạn thơ hay truyện. Đề hai có thêm yêu cầu phụ là chia sẻ về cách đọc, hiểu tác phẩm mình chọn.
"Yêu cầu phụ này không khó, học sinh được trình bày quan điểm của mình một cách tự do. Nhưng với những học sinh quen học văn mẫu, tư duy rập khuôn sẽ không hiểu yêu cầu này", thầy Bảo nói.
Cô Trịnh Quỳnh An, đại diện tổ Ngữ văn của hệ thống HOCMAI, cũng cho rằng yêu cầu phụ của đề hai có thể gây nhiễu cho thí sinh. Các em không quen sẽ khó hệ thống, sắp xếp những suy nghĩ cá nhân trong thời gian ngắn.
Nhìn chung, các giáo viên cho rằng nếu nắm vững kiến thức, đề thi tuy có đổi mới nhưng không khó. Ở phần Đọc hiểu, thí sinh ở mức trung bình cũng có thể lấy điểm trọn vẹn.
Đề thi môn Văn vào lớp 10 của TP HCM nhiều năm qua được giới chuyên môn đánh giá cao về tính mở và sự đổi mới. Năm ngoái, trong hơn 94.000 thí sinh dự thi, một em giành điểm 9,5 - cao nhất, 432 em đạt từ 9 trở lên.
Chiều 6/6, các em tiếp tục dự thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 90 phút. Ngày 7/6, thí sinh làm bài thi môn Toán và môn chuyên (thí sinh dự thi lớp chuyên).
Điểm thi lớp 10 ở TP HCM được công bố vào ngày 20/6.
Lệ Nguyễn