Đề Ngữ văn sáng 25/6 được nhiều học sinh đánh giá là lạ, khó hiểu và chưa từng gặp bao giờ. Tuy nhiên, thầy giáo Nguyễn Tấn Huy ở trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) lại có những nhận định khác.
Có gần 30 năm giảng dạy môn Văn ở trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), tôi cho rằng về tổng thể, đề thi bám sát chương trình trong sách giáo khoa.
Ở phần Đọc hiểu, đoạn trích bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy không được giảng dạy trong chương trình, nhưng đây chỉ là ngữ liệu nhằm đánh giá năng lực đọc hiểu của thí sinh. Ở phần Làm văn, hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu và Hai đứa trẻ của Thạch Lam là trọng tâm của chương trình môn Văn THPT, học sinh dự thi THPT quốc gia không thể bỏ qua.
Song, đề thi không chỉ yêu cầu ở học sinh am hiểu tác phẩm, nắm vững kiến thức mà còn phải có kỹ năng liên hệ, suy tưởng, mở rộng vấn đề. Với đoạn trích bài thơ của Nguyễn Duy, có ý kiến cho rằng đề thi ngụ ý đến tình hình thời sự hiện nay. Tôi không nghĩ như vậy.
Thứ nhất, đây là một ngữ liệu để học sinh vận dụng kiến thức Văn học, tiếng Việt, làm văn để trả lời các câu hỏi. Thứ hai, đề thi hướng đến một mục đích lớn hơn, đó là khơi dậy tinh thần, trách nhiệm xây dựng đất nước của thế hệ trẻ, với tư cách một công dân chân chính, với những việc làm tốt đẹp.
Nói như vậy không có nghĩa là khi học sinh đưa vào bài những vấn đề thời sự nóng bỏng thì sẽ bị gạt đi. Điều đó hoàn toàn được chấp nhận. Tất nhiên, đó là những ý kiến đúng đắn, mang tính xây dựng, không hùa theo những kẻ quá khích, không vi phạm pháp luật.
Câu hỏi về hai dòng thơ: ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên có phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Các em có thể trả lời có hoặc không, miễn là có cách lý giải hợp lý.
Theo tôi, nói Việt Nam có tiềm lực tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu có hơn một số nước khác thì không ai phủ nhận. Nhưng điều quan trọng hơn là sử dụng những tiềm lực đó như thế nào, mà đã nói “sử dụng” tức là nói đến yếu tố con người. Như vậy thì tiềm lực ở đây còn có một ý nghĩa khác, là trí tuệ, ý chí, khát vọng và năng lực của con người.
Câu hỏi này có quá tầm các em học sinh 18 tuổi hay không? Theo tôi, nói quá tầm là đánh giá thấp thế hệ trẻ và phủ nhận nền giáo dục của chúng ta. Tùy theo mục tiêu và mối quan tâm của các em, khả năng đọc hiểu và liên hệ, mức độ nông sâu sẽ khác nhau, nhưng các em vẫn đang sống trong bầu "khí quyển" của thời đại mình. Hơn nữa, các em còn có lợi thế hơn những thế hệ trước là khả năng tiếp cận công nghệ, Internet.
Đến câu hỏi thứ nhất của phần Làm văn, đề thi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Đây là dạng bài nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống, phù hợp với chủ trương ra đề của Bộ Giáo dục trong những năm gần đây, không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá năng lực.
Như vậy, việc các câu hỏi này xuất hiện trong đề thi là rất tốt. Nó đã tạo kênh giao lưu, đối thoại với thế hệ trẻ.
Với câu cuối cùng của đề về hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ, tôi nghĩ đây là các tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc, nên việc xuất hiện trong đề thi không có gì bất ngờ.
Điều quan trọng đề thi không có chỗ cho sự học thuộc lòng văn mẫu, ghi nhớ mày móc. Nhiều em đã "trúng tủ" nhưng lại "lệch ngăn", vì tác phẩm là bất biến nhưng đề thi thì vạn biến. Sự đối lập trong từng tác phẩm là quen thuộc nhưng việc liên hệ sự đối lập này đến sự đối lập khác là cái mới làm bất ngờ học sinh.
So với câu cuối của đề thi môn Văn năm ngoái về đoạn trích trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, câu hỏi năm nay yêu cầu học sinh phải nắm toàn bộ tác phẩm và chọn lọc được những cái trọng tâm, không sa đà vào việc diễn xuôi, bình tán.
Đây là đề thi vừa để học sinh xét tốt nghiệp cấp THPT nhưng cũng là cơ sở để các đại học tuyển sinh. Vì vậy, các em cần sáng tạo, biết cách mở rộng và lật ngược vấn đề mới có khả năng đạt điểm cao.