- Gần đây có nhiều kiến nghị thay đổi cách ra đề thi môn Văn, vậy định hướng của Bộ GD&ĐT như thế nào?
- Việc kiểm tra, đánh giá đầu tiên phải hướng tới đánh giá năng lực người học, trong đó có năng lực chung và yêu cầu riêng cho từng lĩnh vực, từng môn học. Đề thi Ngữ văn năm nay sẽ có hai phần đọc - hiểu và viết. Thật ra đây không phải thay đổi mà là quán triệt đúng hơn mục tiêu dạy học, tiến sát hơn những điều mà bộ đã hướng dẫn lâu nay.
Kiểm tra đọc - hiểu là yêu cầu bắt buộc và việc này đã thực hiện từ cấp tiểu học đến trung học. Việc dạy năng lực đọc - hiểu đã chiếm tỷ trọng lớn thời gian và kết cấu nội dung.
Chương trình yêu cầu học sinh phải đạt được năng lực, kỹ năng cảm thụ và phân tích. Như vậy không có nghĩa là học tác phẩm nào thì thi tác phẩm đó, mà thông qua quá trình học, học sinh có được năng lực đọc, hiểu, cảm thụ văn học, chứ không phải kiểm tra nhớ được tác phẩm đó tới đâu.
Trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh sắp tới, đề thi sẽ thay đổi theo hướng kiểm tra những năng lực này của học sinh. Những tác phẩm trong đề thi có thể nằm ngoài sách giáo khoa, tất nhiên, không vượt quá yêu cầu năng lực muốn đạt tới, với điều kiện tác phẩm đó có kết cấu nội dung và mức độ khó, dễ tương đương tác phẩm đã học.
- Theo quy chế mới, thời gian thi Ngữ văn sẽ giảm từ 150 phút xuống còn 120 phút, vậy cấu trúc đề thi có những thay đổi nào?
- Bộ Giáo dục không đưa ra khái niệm cấu trúc đề thi mà chỉ thực hiện theo ma trận đề thi. Ma trận đề thi sẽ yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức nhiều hơn. Thời gian làm bài được rút ngắn thì yêu cầu đề bài cũng thay đổi, không chỉ môn Văn mà các môn khác khi thay đổi thời gian vẫn phải đảm bảo yêu cầu đó.
Đề thi hiện nay vẫn nặng về kiểm tra xem các em học được gì, nặng về cho điểm. Học sinh có thể học thuộc bài văn mẫu để khi kiểm tra ngồi chép lại, như vậy là kiểm tra học vẹt nhiều hơn là kiểm tra năng lực thật. Đề thi mới sẽ khắc phục những hạn chế này.
- Đề mở nhưng giáo viên chấm bài chưa mở là lo lắng của phụ huynh và học sinh. Bộ khắc phục hạn chế này như thế nào?
- Thay đổi cách ra đề trước hết nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh. Bộ sẽ chọn những người giỏi nhất, thiết kế những đề mà học sinh cần chủ động vận dụng hiểu biết, tình cảm, năng lực của mình để thể hiện. Cách xác định dàn bài để chấm điểm theo dạng có bao nhiêu ý như trước kia cũng sẽ thay đổi. Giáo viên sẽ xác định yêu cầu và kỹ năng của học sinh đạt được mức độ nào, cách thức giải quyết vấn đề, từ đó cho điểm.
Nguyên tắc đề mở - đáp án cũng phải mở sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh. Muốn có điều này phải thay đổi cả quá trình dạy và học cũng như quá trình kiểm tra, đánh giá dạy và học.
Bộ Giáo dục đã chỉ đạo trong văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm, nhưng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá không thể diễn ra đột ngột mà trên cơ sở thực tế các trường để có sự thay đổi cần thiết. Cách thay đổi này sẽ có tác dụng đột phá.
- Như vậy có thể hiểu môn Ngữ văn sắp tới sẽ được dạy một cách thực tế hơn?
- Mục tiêu học tập môn Ngữ văn không chỉ là biết và phân tích tác phẩm, mà yêu cầu học sinh qua những tác phẩm đó nhìn nhận, ứng xử trong cuộc sống như thế nào. Thời gian tới, giáo viên dạy môn Ngữ văn phải tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc học môn Văn nói riêng và các môn khác nói chung.
Hoàng Thùy