Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI, nhận xét đề có yếu tố thực tiễn, chú trọng năng lực đọc hiểu của học sinh.
Tổng thể, đề gồm 8 bài toán lớn (120 phút) với các dạng quen thuộc: bài 1 vẽ đồ thị hàm số; bài 2 là ứng dụng Viết; bài 3 toán thực tế yêu cầu cao về kỹ năng đọc hiểu; bài 4 về hàm số bậc nhất (tương đương bài số 3 năm 2018); bài 5 là dạng tính tiền; bài 6 về hình không gian; bài 7 về giải bài toán bằng cách lập phương trình và bài 8 về góc nội tiếp đường tròn.
Mỗi bài toán có các ý nhỏ sắp xếp theo thứ tự dễ đến khó; có những bài đến 3 ý hỏi, trong đó sử dụng ngữ liệu của các môn Vật lý, Địa lý...
Các câu hỏi có sự liên môn và liên cấp giữa các cấp học, không còn câu quá khó, mang tính hàn lâm toán học như: bất đẳng thức và cực trị, quỹ tích hình học. Thay vào đó là những câu hỏi mang tính thực tiễn để kiểm tra, đánh giá năng lực của thí sinh như: đọc hiểu, phân tích và lập luận toán học...
"Có cấu trúc tương tự năm 2018, đề không khó về mặt tính toán nhưng đòi hỏi học sinh phải có khả năng đọc hiểu và phân tích. Phần hình học nhẹ nhàng, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể giải quyết trọn vẹn", thầy Quang nhận xét.
Thầy Phạm Ngọc Hưng (Giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho rằng để làm tốt được đề bài này, học sinh cần có kỹ năng đọc hiểu, tính toán rất tốt. Một số bài toán có dạng khá mới sẽ làm khó học sinh như bài 3 và 6.
Nhìn chung, phổ điểm môn Toán khoảng 6-7,5. Học sinh có kỹ năng tính toán tốt có thể đạt 8-9 điểm, 10 sẽ hiếm.