Đề thi tuyển sinh vào đại học môn Ngữ văn khối C và khối D năm nay có lẽ là đề thi được chờ đợi nhiều nhất trong mấy năm trở lại đây. Bởi nó diễn ra trong bối cảnh Bộ GD - ĐT chủ trương thay đổi cách ra đề thi.
Không ít người, đặc biệt là các em học sinh tỏ ra băn khoăn, thậm chí hoang mang không biết rằng với sự thay đổi khá bất ngờ, đột ngột trong khi các em chưa chuẩn bị tốt tâm thế cho sự thay đổi ấy thì liệu các em có xử lí tốt được đề thi hay không?
Số khác thì chờ đợi một luồng gió mới trong cách ra đề thi với hy vọng điều này sẽ tạo tiền đề cho một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của việc giảng dạy và học tập bộ môn Ngữ văn trong nhà trường.
Đề thi chính thức được công bố trong buổi thi sáng ngày 10/7 về cơ bản đã đáp ứng được sự mong đợi của nhiều người, tạo được sự đồng tình và đánh giá cao trong dư luận.
Đề Ngữ văn năm nay vẫn ra ba câu, với số điểm của từng câu lần lượt là 2 - 3 - 5 như những năm trước. Tuy nhiên, trong cách hỏi đã có sự đổi mới rõ rệt ở câu một.
Nếu như những năm trước đây, câu một chỉ đơn thuần yêu cầu tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học đã được học trong chương trình, học sinh chỉ cần thuộc bài là có thể dễ dàng trả lời được thì năm nay đề lại ra ở dạng đọc hiểu. Tức là, cho một văn bản cụ thể và thông qua một số câu hỏi để kiểm tra năng lực của học sinh.
Cách ra đề này có thể phát huy khả năng độc lập tư duy, vận dụng kĩ năng đọc hiểu văn bản đã được trang bị trong nhà trường để tự mình khám phá, tìm hiểu nội dung và nghệ thuật của một văn bản mà không phải phụ thuộc vào bài giảng của thầy cô hay sách mẫu.
Kiểu đề đọc hiểu này trước đó đã được ra trong đề thi tốt nghiệp THPT. Nhưng nếu văn bản được ra trong đề thi tốt nghiệp là một văn bản chính luận hoàn toàn xa lạ thì trong đề thi đại học khối C, D lại là hai văn bản nghệ thuật, đó là “Đò Lèn” của Nguyễn Duy và “ Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.
Đây là hai văn bản có giá trị cao, đồng thời không đến nỗi khiến học sinh phải quá bỡ ngỡ, vì tuy không được tìm hiểu kĩ trong chương trình nhưng nó lại là hai bài đọc thêm có in trong sách giáo khoa.
Riêng văn bản “Đất nước” được dẫn ra trong đề thi khối D đã gợi được nhiều suy ngẫm về chủ quyền đất nước, ý thức về nguồn cội và sức mạnh của truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Điều này rất có ý nghĩa trong tình hình đất nước hiện nay.
Hai câu nghị luận xã hội trong hai đề thi năm nay cũng khá đặc sắc, tuy cách hỏi vẫn như cũ. Đề thi khối C dẫn một câu trong “Đời thừa” của Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Từ đó, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của bản thân về điều làm nên sức mạnh của mỗi con người cũng như mỗi quốc gia.
Câu hỏi này sẽ giúp các em nhận thức được một điều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc rằng sức mạnh chân chính của một con người hay một dân tộc không được tạo nên từ cường quyền, bạo lực mà được tạo nên từ yêu thương và bao dung.
Nếu nghĩ sâu hơn, học sinh sẽ liên tưởng được rằng hành động của Trung Quốc trên biển Đông những ngày vừa qua không phải là hành động của một kẻ mạnh chân chính. Sự liên hệ với thời sự đất nước trong câu hỏi này khá độc đáo và không hề gượng ép.
Đề thi khối D yêu cầu học sinh thể hiện chủ kiến của mình về phương châm sống: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa”. Mỗi em chắc chắn sẽ có một cách kiến giải cho riêng mình. Nhưng có thể nói, câu hỏi trên đã góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hoàn thiện quan niệm về lẽ sống. Sống không chỉ là cống hiến hết mình mà còn phải biết hưởng thụ một cách lành mạnh và chính đáng.
Câu nghị luận văn học đề khối C cho hai ý kiến khác nhau về hình tượng con sông Hương trong bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Vẻ đẹp nổi bật của con sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ” và “Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử”.
Kiểu đề này sẽ giúp học sinh tiếp cận, khai thác vấn đề theo nhiều hướng, nhiều chiều kích khác nhau để từ đó hiểu thấu đáo vấn đề hơn.
Còn đề khối D thì cố ý cho hai ý kiến có vẻ như mâu thuẫn nhau (trong các ý kiến có những chỗ chưa đủ, chưa chính xác) về hình tượng Lorca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của Thanh Thảo: “Đó là mẫu nghệ sĩ-chiến sĩ vì đấu tranh cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình” và “Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật nhưng bị giết hại oan khuất”.
Kiểu đề này bên cạnh việc có thể rèn luyện cho học sinh năng lực khai thác, nhận xét sâu sắc một vấn đề còn rèn luyện cho các em năng lực bác bỏ, phản biện trước những điều chưa đúng, chưa đủ.
Đặc biệt, câu nghị luận văn học năm nay không ra tự chọn như các năm. Điều này bắt buộc học sinh phải bao quát cả chương trình, tránh hiện tượng học tủ, nghĩa là chỉ học chương trình 11 hoặc chương trình 12, chỉ học thơ hoặc truyện.
Có thể nói, tuy không tránh khỏi một vài hạn chế nhỏ như cách hỏi ở câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học về cơ bản chưa có sự đổi mới rõ nét so với đề thi năm trước, hay câu nói: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình” được đưa ra bàn trong câu nghị luận xã hội của đề khối C là vấn đề đã cũ, được các thầy cô giáo ra đề và bàn luận từ nhiều năm nay; nhưng nhìn chung đây là những đề thi hay, có giá trị cao.
Những đề thi như thế sẽ phát huy khả năng sáng tạo, năng lực độc lập suy nghĩ cho học sinh, từ đó góp phần hạn chế lối học tủ, học vẹt một cách máy móc.
Điều này tạo nền tảng cho việc đổi mới kiểm tra, đánh giá bộ môn Ngữ văn từ chỗ mỗi bài thi là một sự trình bày lại gần như nguyên vẹn những điều được ghi trong sách hay những điều thầy cô đã dạy tới chỗ mỗi bài thi là một sản phẩm thực thụ của chính học sinh được nhào nặn từ quá trình tư duy tích cực.
>> Xem thêm: Thí sinh đặc biệt được bố bế đi thi đại học
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục, thi cử tại đây.