Nguyên văn bài toán như sau: Một người đi xe đạp khởi hành từ A với vận tốc 15 km/giờ. Đi được 3/4 giờ, người đó dừng lại nghỉ mệt 20 phút rồi lại tiếp tục lên đường với vận tốc cũ. Sau khi người đi xe đạp đi được 1 giờ, một người đi xe gắn máy cũng khởi hành từ A đuổi theo người đi xe đạp với vận tốc 30 km/giờ.
a) Tính quãng đường người đi xe đạp đã đi từ A đến chỗ dừng lại nghỉ mệt?
b) Hỏi trong bao lâu thì người đi xe gắn máy đuổi kịp người đi xe đạp?
Đối với câu a, học sinh cho kết quả như đáp án của Sở GD&ĐT: Quãng đường người đi xe đạp đã đi đến khi nghỉ mệt là: 15 x 3/4 = 11,25 (km). Nhưng câu b, đề bài đánh đố học sinh, làm các em hiểu nhầm là người đi xe đạp đi được 45 phút (3/4 giờ), nghỉ 20 phút, rồi đi tiếp 1 giờ (tổng cộng là 125 phút) thì xe gắn máy mới đuổi theo. Trong khi dụng ý của người ra đề là người đi xe đạp chỉ đi trước người xe máy 1 giờ. Từ hai cách nghĩ đó đã dẫn đến hai đáp số khác nhau.
Đáp án của Sở GD&ĐT: b) Thời gian người đi xe gắn máy đã đi khi người đi xe đạp tiếp tục đi là: (3/4 giờ + 20 phút) - 1 giờ = 5 phút. Quãng đường người đi xe gắn máy đã đi khi người đi xe đạp tiếp tục đi là: 30 x 5 : 60 = 2,5 (km).
Lúc cùng đi, hai người ở cách nhau là: 11,25 - 2,5 = 8,75 (km).
Hiệu vận tốc giữa hai xe là: 30 - 15 = 15 (km).
Thời gian để người đi xe gắn máy đuổi kịp người đi xe đạp là: (8,75 : 15) + 5 = 40 (phút), lời giải của học sinh.
b) Khoảng cách giữa hai xe sau khi xe đạp đi tiếp thêm 1 giờ nữa: 11,25 + 15 x 1 = 26,25 (km).
Hiệu hai vận tốc: 30 – 15 = 15 (km/giờ)
Thời gian đuổi kịp: 26,25 : 15 = 1,75 (giờ) = 1 giờ 45 phút.
Một bài toán có nhiều cách giải, nhưng chỉ phải có một đáp số duy nhất. Nếu như đề bài là “sau khi người đi xe đạp khởi hành từ A được 1 giờ”, thì học sẽ không nhầm lẫn; đằng này các sự kiện cứ tiếp diễn logic theo trình tự thời gian. Rất nhiều giáo viên, trước khi có đáp án của Sở GD&ĐT, đều giải câu (b) với kết quả là 1 giờ 45 phút. Nhiều thầy cô bức xúc cho rằng chỉ vì bài toán có cách hành văn mập mờ đã gây ngộ nhận cho học sinh.
(Theo SGGP, 7/5)