"Bác sĩ nói lần đầu tiên trong lịch sử bệnh viện có sản phụ được con trai đưa đi đẻ'', chị Thơm, 45 tuổi, ở Hải Phòng, nhớ lại thời điểm năm 2021.
Vợ chồng chị Thơm sinh con trai đầu lòng 25 năm trước, sau đó 9 năm sinh con trai thứ hai. Ở tuổi ngoài 40, các con đều đã lớn, vợ chồng chị lại ước có một đứa trẻ trong nhà nên quyết định sinh thêm. "Ngày xưa lo kinh tế nên không dám đẻ. Nay tôi để tự nhiên, trai gái gì cũng được'', chị nói. Anh chị cũng nói với hai con lớn về dự định của mình và được ủng hộ.
Sau một thời gian ''thả'', chị Thơm háo hức khi biết mang bầu. Chủ động sinh con, chị chuẩn bị kỹ về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nên không quá áp lực. Chỉ có điều, Tuấn Anh, con trai cả của chị hay bị hiểu nhầm trong thời gian chăm mẹ ở viện và ở cữ.
''Mẹ nhìn rất trẻ nên bác sĩ cứ tưởng tôi đưa vợ đi sinh. Tôi đăng ảnh bế em trên mạng mọi người lại nhầm là bế con'', cậu nói. Giờ Tuấn Anh đã lập gia đình, có con, trong khi em gái mới 3 tuổi.
6 năm trước, chị Hạnh Dung (đã đổi tên), 47 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng sinh thêm con thứ hai khi con gái đầu đã vào đại học. Thời trẻ, vợ chồng chị chỉ muốn sinh một con để tập trung phấn đấu cho sự nghiệp. ''Ngày trước chỉ mong có thời gian cho con. Giờ có thời gian thì con đã lớn, không chơi với mình nữa'', chị nói.
Nghĩ đến viễn cảnh con gái lớn đi du học, lấy chồng, chỉ hai vợ chồng già với nhau, anh chị quyết định sinh thêm con. Để đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, được sàng lọc tốt nhất, chị Hạnh Dung quyết định làm IVF (thụ tinh ống nghiệm).
Trong khảo sát của VnExpress với câu hỏi: Nếu mới có một con, bạn có muốn đẻ tiếp không? 51% trong số hơn 4.000 độc giả nói "Có" với điều kiện kinh tế cho phép.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lưu Quốc Khải, phó giám đốc chuyên môn kiêm trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa quốc tế Bắc Hà, cho biết gần 30 năm trong lĩnh vực sinh sản, ông nhận thấy xu hướng sinh thêm con ở tuổi trung niên như gia đình chị Thơm hay chị Hạnh Dung đang gia tăng, ở ba nhóm, một là những người sinh con một bề muốn ''đủ nếp đủ tẻ''; những người ngày trẻ bận rộn sự nghiệp, áp lực kinh tế nên có tài chính lại muốn sinh thêm và trường hợp thứ ba là do con lớn trưởng thành nên muốn có thêm con nhỏ để ''vui nhà vui cửa''.
Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Thị Tố Quyên, Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng bên cạnh việc người trẻ ngại kết hôn, sinh con, thì hiện tượng phụ nữ trung niên sinh thêm rất phổ biến.
Ngoài lý do như bác sĩ Quốc Khải nêu, theo bà Tố Quyên, chính sách dân số cởi mở hơn với những người sinh con thứ ba góp phần vào quyết định sinh thêm con của phụ nữ tuổi 40. "Với những gia đình có kinh tế, mong muốn thêm con, một đứa trẻ chào đời sẽ góp phần củng cố hạnh phúc của gia đình đó", bà nói.
Sau ba năm sinh con, chị Thơm nghiệm thấy những điều bà Tố Quyên nói đúng. Trước đây kinh tế khó khăn nên chị sinh con thứ hai cách con lớn đến 9 năm. Mải đi làm, người mẹ không có nhiều thời gian cho con, không thể theo sát hành trình con lớn lên từng ngày. Nhưng với con gái út Minh Anh, vợ chồng chị có nhiều thời gian bên con, chơi với con.
Có con gái, chồng chị đi đâu cũng muốn về nhà chơi với bé. Khi bố mẹ giận nhau, cô bé nỉ non, ôm hôn khiến họ phải sớm làm lành. ''Con đến như một món quà, tôi thấy như mình trẻ hơn. Vợ chồng tôi cũng gắn kết trở lại'', chị nói.
Chị Hạnh Dung thừa nhận đứa con trai chào đời ở tuổi 40 như lấp đầy khoảng trống lâu nay trong lòng vợ chồng chị. "Cảm giác cuộc sống thật sự trọn vẹn và viên mãn", chị nói. Cũng như gia đình chị Thơm, có thêm một mối quan tâm chung khiến mối quan hệ vợ chồng ở tuổi trung niên của chị tưởng nhạt nhẽo, xa cách lại trở nên gần gũi hơn. Con gái chị từ lúc có em cũng chăm về nhà phụ mẹ việc vặt. Cả nhà có nhiều dịp tụ tập hơn vào mỗi dịp lễ trung thu, quốc tế thiếu nhi hay Noel.
Nhưng dưới góc độ xã hội, bà Tố Quyên cho rằng nếu sinh con thứ ba vì chọn lọc giới tính có thể gây mất cân bằng giới tính, ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới. Ngoài ra, bố mẹ quá già, con ít tuổi sẽ tạo khoảng cách thế hệ, gây khó khăn trong nuôi dạy con. Chưa kể, với những gia đình có kinh tế nuôi thêm con ở tuổi này không thành vấn đề, nhưng với gia đình eo hẹp tài chính thực sự rất khó khăn cho bố mẹ và đứa trẻ, tạo gánh nặng xã hội.
Dưới góc độ y tế, bác sĩ Lưu Quốc Khải khuyên không nên sinh con sau tuổi 35, bởi những nguy cơ mà cả đứa trẻ và sản phụ có thể đối mặt. Trẻ dễ bị bất thường về nhiễm sắc thể, dẫn đến các bệnh như hở hàm ếch, hội chứng Down... Người mẹ ở tuổi trung niên sức khỏe giảm sút, khả năng hấp thu, chuyển hóa và miễn dịch kém nên khi sinh dễ gặp tai biến.
Chị Hạnh Dung hiểu những hy sinh của một người mẹ khi có con ở tuổi trung niên. Dù tài chính và sự nghiệp tốt hơn, nhưng đồng nghĩa độ dẻo dai, sức khỏe của chị kém hơn rất nhiều. Con sinh ra khỏe mạnh nhưng hơn một năm đầu thường xuyên ốm vặt. Cứ hễ thời tiết thất thường, bé quấy sốt. Cứ sau vài đêm thức trông con, chị cũng lăn ra ốm theo. "Bao nhiêu năm nhàn nhã, ngủ xuyên đêm, lúc sinh thêm, mỗi đêm dậy 5-7 cữ thật sự tôi bị sốc", chị nói.
Khi bạn bè ở tuổi này đã rảnh rang đi chơi, đi du lịch, chị lại chỉ muốn ở nhà. Vì mỗi lần đi đâu, con nhỏ léo nhéo theo sau, dẫu có giúp việc phụ, chị cũng không thể thoải mái.
Bây giờ, bé Hạnh Phúc, con trai chị lên lớp 1, không còn bám mẹ hay ốm vặt như những ngày đầu. Nhưng con lớn hơn đồng nghĩa có suy nghĩ, cá tính và mong muốn mà người mẹ khó hiểu, dù chị cố gắng cập nhật kiến thức, tham gia các hội nhóm nuôi dạy con theo từng giai đoạn. ''Mỗi lần con nói 'sao mẹ chẳng biết gì thế nhỉ?', tôi lại thấy mình già hơn so với con quá'', chị nói.
Bà Tố Quyên khuyên các gia đình nên cân nhắc thật kỹ quyết định sinh con ở độ tuổi trung niên để có thể vừa lao động, vừa hưởng thụ, tránh tình cảnh tuổi già, sức yếu vẫn phải cật lực làm việc để nuôi con nhỏ. Cha mẹ ở tuổi trung niên có con cũng cần nâng cao hiểu biết, có tư duy mở, đón nhận những điều mới để hiểu con, nuôi dạy con tốt, hạn chế bất đồng do khoảng cách thế hệ.
Nếu muốn sinh con ở tuổi trung niên bác sĩ Khải khuyên nên sàng lọc và khám sức khỏe cẩn thận. Trong thời gian mang thai, nên khám và được bác sĩ chuyên ngành sản theo dõi càng sớm càng tốt.
Nhưng chị Thơm vẫn thấy may mắn. "Có bé rồi tôi mới biết nếu ít con mình sẽ thiệt thòi thế nào", chị nói.
Dẫu sức khỏe sụt giảm, chị Hạnh Dung vẫn không hối hận khi sinh thêm con dù ngoài 40 tuổi. "Nhưng nếu ngày trẻ biết cân bằng hơn, sinh con sớm hơn thì những áp lực sức khỏe có lẽ cũng ít hơn", chị nói.
Phạm Nga